Cung văn hóa thành phố Bắc Ninh

Thành phố Bắc Ninh là một đơn vị hành chính cấp thành phố trực thuộc tỉnh và là tỉnh lỵ của tỉnh Bắc Ninh. Thành phố Bắc Ninh là 1 trong 10 đô thị sạch năm 2009.

Chùa Dâu (xưa và nay), huyện Thuận Thành, tỉnh Bắc Ninh

Chùa Dâu, còn có tên là Diên Ứng (延應寺), Pháp Vân (法雲寺), hay Cổ Châu, là một ngôi chùa nằm ở xã Thanh Khương, huyện Thuận Thành, tỉnh Bắc Ninh, cách Hà Nội khoảng 30 km. Đây là trung tâm cổ xưa nhất của Phật giáo Việt Nam.

Friday, February 14, 2014

Phong tục văn hóa dân tộc Việt Nam

Xin chữ và cho chữ đầu năm là phong tục văn hóa tốt đẹp thể hiện tinh thần trọng đạo học của dân tộc. Mặc dù ngày nay, tục xin và cho chữ đã có nhiều đổi thay song đó vẫn là một nét đẹp văn hóa cần được gìn giữ.
Dân tộc Việt Nam là một dân tộc trọng đạo học. Chính vì trọng chữ, trọng đạo nên ở Văn Miếu Quốc Tử Giám cũng như nhiều Văn Miếu hàng tỉnh, hàng huyện khác mới thờ Khổng Tử và các học trò của ông. Đó chính là người Việt thờ đạo học. Những ông đồ ngày xưa với trí tuệ và cốt cách mẫu mực của người học chữ thánh hiền luôn có ảnh hưởng tinh thần rất lớn trong cộng đồng. Xưa kia, nếu ở một xóm làng nào đó có một thầy đồ thì bà con nơi ấy cảm thấy chắc dạ, vững tâm hơn vì khi có việc là có thể chạy ngay đến hỏi han, lĩnh giáo lại có thể gửi gắm con cái theo thầy học chữ, học đạo làm người. Chẳng thế mà tinh thần yêu chữ, trọng thầy đã len sâu vào những bài hát ru dân gian của bà, của mẹ ngày xưa “Chẳng ham ruộng cả ao điền/ Chỉ ham cái bút, cái nghiên anh đồ” (ca dao).
 
Có rất nhiều “ông đồ trẻ” viết chữ trong dịp đầu xuân.
 
Đã nhiều năm nay, cứ mỗi độ Tết đến Xuân về lại thấy xuất hiện những ông đồ ngồi viết và cho chữ ở đình, đền, chùa hoặc trong các lễ hội truyền thống của làng, của tổng. Người đi xin chữ ngày càng đông. Ai tâm đắc với chữ nào thì xin chữ đó, cũng có khi người ta băn khoăn chưa biết xin chữ nào cho hợp thì nhờ người viết tư vấn, có người thì xin viết tên của mình, cũng có người chỉ xin chữ về chỉ để ngắm nét chữ mà không quan tâm đến nghĩa.
Bạn trẻ thường thích viết chữ thư pháp Việt với phong cách lãng mạn, bay bổng và ưa bóng bẩy, hoa lá nên thường chọn những “ông đồ trẻ” xuất thân từ các trường Mỹ thuật. Với người hiểu biết chữ Hán thường tìm đến những ông đồ già vì chữ của họ rắn rỏi, đầy đặn, uyên thâm. Hơn nữa, người dân quan niệm xin chữ của người già lộc nhiều hơn.
Thầy đồ viết chữ bây giờ cũng rất nhiều lứa tuổi, có đủ đồ già, đồ trẻ rồi cả ông đồ, bà đồ mặc áo the, khăn xếp khom lưng phóng bút. Cũng mực tàu, giấy đỏ nhưng mỗi ông đồ có lối viết riêng, mang vẻ đẹp riêng. Người thì viết thư pháp Việt, người viết chữ Hán.
Trong dịp Tết Giáp Ngọ, chúng tôi về chùa Dâu (Thuận Thành) và gặp anh Nguyễn Thanh Toàn, 41 tuổi (Tam Á, Gia Đông, Thuận Thành) - một người viết chữ Hán đã gần 10 năm. Anh Toàn tâm sự: Ở làng tôi, người dân vẫn giữ nét đẹp xin chữ đầu năm nên cứ đến ngày mồng 7 tháng Giêng là ngày hội đền thờ Sĩ Nhiếp - Nam giao học tổ, người dân trong làng đi xin chữ đông lắm. Ông nội tôi là nhà nho nên tôi thích học chữ Hán. Tôi từng ra viết chữ ở Văn Miếu Quốc Tử Giám nhưng chỉ là dịp trong Tết còn sau Tết thường về các di tích lịch sử văn hóa trong khu vực huyện Thuận Thành.
Những chữ được người ta xin chủ yếu vẫn là: Tâm, Tài, Trí, Đức, Phúc, Nhẫn, Nhân, Tín, Hiếu, Nghĩa hoặc Thành Đạt, Đăng Khoa…
Trong lúc trò chuyện với anh Toàn, có một du khách đi lễ chùa và đến xin chữ “Ngộ” theo tiếng Hán với ý nghĩa tỉnh ra, hiểu rõ hơn, mở mang trí khôn. Du khách này bảo, không phải xin cho bản thân mà để tặng con trai, mong cháu ngày một lớn khôn hơn.
Ở bậc học phổ thông, hẳn không ai là không biết đến truyện ngắn “Chữ người tử tù” của cố nhà văn Nguyễn Tuân. Nhà văn đã xây dựng hình ảnh người tử tù Huấn Cao mang vẻ đẹp lấp lánh với tài năng và nhân cách rạng ngời. Đó là một bậc trượng phu biết quý trọng cái tâm, cái tài và cái đẹp nhưng suốt đời chỉ cho chữ đúng ba người bạn thân. Điều đó đủ thấy chữ nghĩa cao quý đến thế nào.
Một lần, tôi may mắn được nghe TSKH Đoàn Hương giảng rất kỹ về tục xin chữ và cho chữ đầu năm của dân tộc Việt, rằng: Đối với người chơi chữ, treo chữ thì phải thờ chữ. Trong đời đừng có xin chữ lung tung. Ngày xưa, các cụ muốn xin chữ phải nghĩ cả năm và khi xin được chữ là về treo trên bàn thờ tổ tiên rồi mới mang treo trong nhà và không phải một năm, hai năm mà có khi cả đời tu luyện một chữ đó.
Người xưa cũng nói, nếu người viết mà không có tâm thì không thể viết được chữ Tâm, người viết mà không nhẫn thì không thể viết được chữ Nhẫn. Cho nên, cả người cho chữ lẫn người xin chữ đều cần có một cái tâm trong sáng và phải biết tu luyện theo chữ.
Ngày nay, cách thức xin chữ và cho chữ đã thay đổi so với ngày xưa. Người xem chữ bây giờ không phải biện lễ đến Thầy, nhưng đâu đó, chúng ta bắt gặp cảnh tượng người viết và người xin chữ ngã giá, mặc cả từng đồng. Một vài biến tướng trong việc kinhh doanh chữ và việc người chơi chữ, xin chữ theo trào lưu mà ít quan tâm đến ý nghĩa đã vô tình làm phai lạt một phong tục đẹp của dân tộc.
Dẫu có chút đổi thay song chúng ta vẫn thấy trân trọng khi người dân đang dần quay trở lại với nét đẹp văn hóa truyền thống mỗi dịp Tết đến Xuân về. Thật đáng mừng khi ý thơ của Vũ Đình Liên “Những người muôn năm cũ/ Hồn ở đâu bây giờ? có thể trả lời rằng “Hồn muôn năm cũ bây giờ vẫn còn đây…!”.
Bài, ảnh: Thuận Cẩm
Nguồn: Bacninh.com.vn

0 comments:

Post a Comment