Từ Hà Nội, qua cầu Chương Dương qua Quốc Lộ 1 A, 1 B khoảng 20 km rẽ trái theo con đường đất khoảng chừng hơn 1km, chúng ta tới với làng dệt Hồi Quan, xã Tương Giang (Từ Sơn). Đất Hồi quan tự hào có dòng sông Tiêu Tương thơ mộng chảy qua một thời, tuy nhiên ngày nay dòng sông xưa đã thành ruộng, thành đường của xã Tương Giang, người dân vẫn nghe văng vẳng tiếng sáo Trương Chi trong hoài niệm gợi lại mối tình giữa chàng với nàng Mỵ Nương qua câu ai oán.
" Nợ tình chưa trả cho ai
Khối tình mang xuống tuyền đài chưa tan"
Ẩn sau luỹ tre làng là một báu vật truyền thống đến nay vẫn còn được gìn giữ và phát triển, đó chính là nghề dệt Hồi Quan.
Đến với Hồi Quan, bước tới cổng làng đã tạo cho du khách sự thoải mái của làng xã Việt Nam. Từ dây, con đường lớn lát gạch chỉ đã mòn đi theo thời gian, nét độc đáo của các làng cổ Bắc Bộ còn lại, đi sâu vào từng xóm ngõ chúng ta nghe rộn rã tiếng thoi đưa của các khung cửi vang vang từ những nếp nhà cổ kính, những mái ngói rêu phong làm ta lắng đọng tâm hồn.
Làng Dệt Hồi Quan hiện nay có khoảng 898 hộ (3.650 khẩu) thì có tới 90% làm nghề dệt, trong đó chiếm khoảng 10 % là các hộ sản xuất lớn.
Theo các cụ cao niên trong làng kể lại, nghề dệt có từ bao giờ và do ai truyền lại đến nay vẫn là một câu hỏi, chỉ biết rằng, từ lâu lắm rồi người làng Hồi Quan rất thạo nghề canh cửu. Trước cách mạng tháng 8, hầu như nhà nào cũng có một khung cửu, nhà nhiều có tới 5-6 khung và phải thuê thợ đến làm. Sản phẩm chính của làng nghề này là vải khổ hẹp (40cm), vải màn, đũi, khăn mặt...Với nghề dệt, làng xóm quanh năm nhộn nhịp, rộn tiếng thoi đưa, mọi người sống chan hoà vì nhau hơn. Từ sáng đến tối nhân lực được huy động tối đa cho sản xuất, mỗi người một việc, năng động, nhiệt tình, khéo léo và cần cù, vợ ngồi dệt vải hay ra chợ bán, chồng thì mắc, kẹo, đậu; người già, trẻ nhỏ thì quay ống, đến khi màn đêm buông xuống cả nhà mới ngưng tay chính, trả thế mà có câu ca:
" Hồi Quan là đất cửi canh
Đến xâm xẩm tối sắp sanh chơi bời"
Sự tảo tần sớm hôm của người Hồi Quan đã giữ được nghề truyền thống, tạo ra thu nhập đáng kể cho xã hội, kinh tế gía đình ngày càng nâng lên.
Đến với Hồi Quan, du khách đến với làng văn hoá mà từ đời vua Tự Đức (1872) đã ban biểu " Mỹ tục khả phong" (Làng có tục đẹp đáng biểu dương) đến với tiếng thoi đưa rộn rã, chứng kiến sự cần cù sớm hôm của người dân nơi đây nhằm tạo ra những sản phẩm có nhất lượng cao nhất phục vụ người tiêu dùng gần xa.
0 comments:
Post a Comment