Cung văn hóa thành phố Bắc Ninh

Thành phố Bắc Ninh là một đơn vị hành chính cấp thành phố trực thuộc tỉnh và là tỉnh lỵ của tỉnh Bắc Ninh. Thành phố Bắc Ninh là 1 trong 10 đô thị sạch năm 2009.

Chùa Dâu (xưa và nay), huyện Thuận Thành, tỉnh Bắc Ninh

Chùa Dâu, còn có tên là Diên Ứng (延應寺), Pháp Vân (法雲寺), hay Cổ Châu, là một ngôi chùa nằm ở xã Thanh Khương, huyện Thuận Thành, tỉnh Bắc Ninh, cách Hà Nội khoảng 30 km. Đây là trung tâm cổ xưa nhất của Phật giáo Việt Nam.

Friday, February 14, 2014

Phong tục văn hóa dân tộc Việt Nam

Xin chữ và cho chữ đầu năm là phong tục văn hóa tốt đẹp thể hiện tinh thần trọng đạo học của dân tộc. Mặc dù ngày nay, tục xin và cho chữ đã có nhiều đổi thay song đó vẫn là một nét đẹp văn hóa cần được gìn giữ.
Dân tộc Việt Nam là một dân tộc trọng đạo học. Chính vì trọng chữ, trọng đạo nên ở Văn Miếu Quốc Tử Giám cũng như nhiều Văn Miếu hàng tỉnh, hàng huyện khác mới thờ Khổng Tử và các học trò của ông. Đó chính là người Việt thờ đạo học. Những ông đồ ngày xưa với trí tuệ và cốt cách mẫu mực của người học chữ thánh hiền luôn có ảnh hưởng tinh thần rất lớn trong cộng đồng. Xưa kia, nếu ở một xóm làng nào đó có một thầy đồ thì bà con nơi ấy cảm thấy chắc dạ, vững tâm hơn vì khi có việc là có thể chạy ngay đến hỏi han, lĩnh giáo lại có thể gửi gắm con cái theo thầy học chữ, học đạo làm người. Chẳng thế mà tinh thần yêu chữ, trọng thầy đã len sâu vào những bài hát ru dân gian của bà, của mẹ ngày xưa “Chẳng ham ruộng cả ao điền/ Chỉ ham cái bút, cái nghiên anh đồ” (ca dao).
 
Có rất nhiều “ông đồ trẻ” viết chữ trong dịp đầu xuân.
 
Đã nhiều năm nay, cứ mỗi độ Tết đến Xuân về lại thấy xuất hiện những ông đồ ngồi viết và cho chữ ở đình, đền, chùa hoặc trong các lễ hội truyền thống của làng, của tổng. Người đi xin chữ ngày càng đông. Ai tâm đắc với chữ nào thì xin chữ đó, cũng có khi người ta băn khoăn chưa biết xin chữ nào cho hợp thì nhờ người viết tư vấn, có người thì xin viết tên của mình, cũng có người chỉ xin chữ về chỉ để ngắm nét chữ mà không quan tâm đến nghĩa.
Bạn trẻ thường thích viết chữ thư pháp Việt với phong cách lãng mạn, bay bổng và ưa bóng bẩy, hoa lá nên thường chọn những “ông đồ trẻ” xuất thân từ các trường Mỹ thuật. Với người hiểu biết chữ Hán thường tìm đến những ông đồ già vì chữ của họ rắn rỏi, đầy đặn, uyên thâm. Hơn nữa, người dân quan niệm xin chữ của người già lộc nhiều hơn.
Thầy đồ viết chữ bây giờ cũng rất nhiều lứa tuổi, có đủ đồ già, đồ trẻ rồi cả ông đồ, bà đồ mặc áo the, khăn xếp khom lưng phóng bút. Cũng mực tàu, giấy đỏ nhưng mỗi ông đồ có lối viết riêng, mang vẻ đẹp riêng. Người thì viết thư pháp Việt, người viết chữ Hán.
Trong dịp Tết Giáp Ngọ, chúng tôi về chùa Dâu (Thuận Thành) và gặp anh Nguyễn Thanh Toàn, 41 tuổi (Tam Á, Gia Đông, Thuận Thành) - một người viết chữ Hán đã gần 10 năm. Anh Toàn tâm sự: Ở làng tôi, người dân vẫn giữ nét đẹp xin chữ đầu năm nên cứ đến ngày mồng 7 tháng Giêng là ngày hội đền thờ Sĩ Nhiếp - Nam giao học tổ, người dân trong làng đi xin chữ đông lắm. Ông nội tôi là nhà nho nên tôi thích học chữ Hán. Tôi từng ra viết chữ ở Văn Miếu Quốc Tử Giám nhưng chỉ là dịp trong Tết còn sau Tết thường về các di tích lịch sử văn hóa trong khu vực huyện Thuận Thành.
Những chữ được người ta xin chủ yếu vẫn là: Tâm, Tài, Trí, Đức, Phúc, Nhẫn, Nhân, Tín, Hiếu, Nghĩa hoặc Thành Đạt, Đăng Khoa…
Trong lúc trò chuyện với anh Toàn, có một du khách đi lễ chùa và đến xin chữ “Ngộ” theo tiếng Hán với ý nghĩa tỉnh ra, hiểu rõ hơn, mở mang trí khôn. Du khách này bảo, không phải xin cho bản thân mà để tặng con trai, mong cháu ngày một lớn khôn hơn.
Ở bậc học phổ thông, hẳn không ai là không biết đến truyện ngắn “Chữ người tử tù” của cố nhà văn Nguyễn Tuân. Nhà văn đã xây dựng hình ảnh người tử tù Huấn Cao mang vẻ đẹp lấp lánh với tài năng và nhân cách rạng ngời. Đó là một bậc trượng phu biết quý trọng cái tâm, cái tài và cái đẹp nhưng suốt đời chỉ cho chữ đúng ba người bạn thân. Điều đó đủ thấy chữ nghĩa cao quý đến thế nào.
Một lần, tôi may mắn được nghe TSKH Đoàn Hương giảng rất kỹ về tục xin chữ và cho chữ đầu năm của dân tộc Việt, rằng: Đối với người chơi chữ, treo chữ thì phải thờ chữ. Trong đời đừng có xin chữ lung tung. Ngày xưa, các cụ muốn xin chữ phải nghĩ cả năm và khi xin được chữ là về treo trên bàn thờ tổ tiên rồi mới mang treo trong nhà và không phải một năm, hai năm mà có khi cả đời tu luyện một chữ đó.
Người xưa cũng nói, nếu người viết mà không có tâm thì không thể viết được chữ Tâm, người viết mà không nhẫn thì không thể viết được chữ Nhẫn. Cho nên, cả người cho chữ lẫn người xin chữ đều cần có một cái tâm trong sáng và phải biết tu luyện theo chữ.
Ngày nay, cách thức xin chữ và cho chữ đã thay đổi so với ngày xưa. Người xem chữ bây giờ không phải biện lễ đến Thầy, nhưng đâu đó, chúng ta bắt gặp cảnh tượng người viết và người xin chữ ngã giá, mặc cả từng đồng. Một vài biến tướng trong việc kinhh doanh chữ và việc người chơi chữ, xin chữ theo trào lưu mà ít quan tâm đến ý nghĩa đã vô tình làm phai lạt một phong tục đẹp của dân tộc.
Dẫu có chút đổi thay song chúng ta vẫn thấy trân trọng khi người dân đang dần quay trở lại với nét đẹp văn hóa truyền thống mỗi dịp Tết đến Xuân về. Thật đáng mừng khi ý thơ của Vũ Đình Liên “Những người muôn năm cũ/ Hồn ở đâu bây giờ? có thể trả lời rằng “Hồn muôn năm cũ bây giờ vẫn còn đây…!”.
Bài, ảnh: Thuận Cẩm
Nguồn: Bacninh.com.vn

Làng nghề dệt Hồi Quan

Từ Hà Nội, qua cầu Chương Dương qua Quốc Lộ 1 A, 1 B khoảng 20 km rẽ trái theo con đường đất khoảng chừng hơn 1km, chúng ta tới với làng dệt Hồi Quan, xã Tương Giang (Từ Sơn). Đất Hồi quan tự hào có dòng sông Tiêu Tương thơ mộng chảy qua một thời, tuy nhiên ngày nay dòng sông xưa đã thành ruộng, thành đường của xã Tương Giang, người dân vẫn nghe văng vẳng tiếng sáo Trương Chi trong hoài niệm gợi lại mối tình giữa chàng với nàng Mỵ Nương qua câu ai oán.

" Nợ tình chưa trả cho ai
Khối tình mang xuống tuyền đài chưa tan"

Ẩn sau luỹ tre làng là một báu vật truyền thống đến nay vẫn còn được gìn giữ và phát triển, đó chính là nghề dệt Hồi Quan.

Làng nghề dệt Hồi Quan

Đến với Hồi Quan, bước tới cổng làng đã tạo cho du khách sự thoải mái của làng xã Việt Nam. Từ dây, con đường lớn lát gạch chỉ đã mòn đi theo thời gian, nét độc đáo của các làng cổ Bắc Bộ còn lại, đi sâu vào từng xóm ngõ chúng ta nghe rộn rã tiếng thoi đưa của các khung cửi vang vang từ những nếp nhà cổ kính, những mái ngói rêu phong làm ta lắng đọng tâm hồn.

Làng Dệt Hồi Quan hiện nay có khoảng 898 hộ (3.650 khẩu) thì có tới 90% làm nghề dệt, trong đó chiếm khoảng 10 % là các hộ sản xuất lớn.
Theo các cụ cao niên trong làng kể lại, nghề dệt có từ bao giờ và do ai truyền lại đến nay vẫn là một câu hỏi, chỉ biết rằng, từ lâu lắm rồi người làng Hồi Quan rất thạo nghề canh cửu. Trước cách mạng tháng 8, hầu như nhà nào cũng có một khung cửu, nhà nhiều có tới 5-6 khung và phải thuê thợ đến làm. Sản phẩm chính của làng nghề này là vải khổ hẹp (40cm), vải màn, đũi, khăn mặt...Với nghề dệt, làng xóm quanh năm nhộn nhịp, rộn tiếng thoi đưa, mọi người sống chan hoà vì nhau hơn. Từ sáng đến tối nhân lực được huy động tối đa cho sản xuất, mỗi người một việc, năng động, nhiệt tình, khéo léo và cần cù, vợ ngồi dệt vải hay ra chợ bán, chồng thì mắc, kẹo, đậu; người già, trẻ nhỏ thì quay ống, đến khi màn đêm buông xuống cả nhà mới ngưng tay chính, trả thế mà có câu ca:
" Hồi Quan là đất cửi canh
Đến xâm xẩm tối sắp sanh chơi bời"
Sự tảo tần sớm hôm của người Hồi Quan đã giữ được nghề truyền thống, tạo ra thu nhập đáng kể cho xã hội, kinh tế gía đình ngày càng nâng lên.

Đến với Hồi Quan, du khách đến với làng văn hoá mà từ đời vua Tự Đức (1872) đã ban biểu " Mỹ tục khả phong" (Làng có tục đẹp đáng biểu dương) đến với tiếng thoi đưa rộn rã, chứng kiến sự cần cù sớm hôm của người dân nơi đây nhằm tạo ra những sản phẩm có nhất lượng cao nhất phục vụ người tiêu dùng gần xa.

Nghề đan mây tre ở Du Tràng

Không quá náo nhiệt, sầm uất như các nghề thủ công khác, sự lặng lẽ và bền bỉ đã giữ cho Du Tràng (Giang Sơn, Gia Bình) một nghề với những sản phẩm độc đáo từ mây, tre. Nghề đan mây tre ở đây có từ hàng chục năm, trở thành nghề phụ quan trọng, giải quyết việc làm và tăng thu nhập cho nhiều người dân địa phương.

Thôn Du Tràng có 360 hộ thì hơn 100 hộ làm nghề đan mây tre. Hộ mới vào nghề cũng được 8 năm; nhiều hộ có “thâm niên” 30 năm. Ông Nguyễn Đình Đà, 58 tuổi, làm nghề đã hơn 20 năm, tâm sự: “Nghề này thu nhập không cao, nhưng có việc làm thường xuyên kể cả người già, trẻ em đều có thể làm được, trung bình mỗi ngày thu nhập từ 20 đến 30 nghìn đồng/ người”.

Nghề đan mây tre ở Du Tràng

Nghề đan mây tre nơi đây bắt đầu từ những năm 1980 khi trong làng có một vài người dân đi làm thuê ở Hà Tây trước kia, mang nghề về làng. Ban đầu chỉ đan những dụng cụ phục vụ sinh hoạt trong gia đình như: Rổ, rá, thúng, nong, nia… Đến nay, các sản phẩm được đa dạng hơn. Từ những nguyên liệu mây, tre, nứa thô sơ, bằng đôi bàn tay khéo léo của người thợ đã biến thành những chiếc giỏ, bình, đĩa đựng hoa đủ các kích cỡ, màu sắc đẹp và tinh xảo. Để hoàn thiện một chiếc giỏ hoa phải mất 4, 5 công đoạn từ chẻ nan, đặt đáy, đan, quấn miệng. Mỗi sản phẩm làm ra tuỳ theo từng kích cỡ mà có giá khác nhau: loại nhỏ nhất 2 đến 3 nghìn đồng chiếc; giỏ đựng lẵng hoa to từ 5 đến 10 nghìn đồng chiếc. Mỗi ngày, với người đã làm quen tay có thể hoàn thành từ 30 đến 40 sản phẩm theo dây chuyền, mỗi tháng thu nhập bình quân từ 600 đến 900 nghìn đồng/ người. 

Để tiếp tục nhân rộng và phát huy nghề đan mây tre, đầu năm 2008 địa phương đã thành lập HTX Toàn Phong cung cấp nguyên liệu và bao tiêu sản phẩm. HTX thường xuyên phối hợp với các Trung tâm dạy nghề của tỉnh, huyện về dạy nghề cho các xã viên. Qua một thời gian đào tạo, đến nay HTX đã có 100% xã viên biết nghề, trong đó 80% đã sản xuất được sản phẩm đạt chất lượng đúng theo yêu cầu. Hiện, HTX mây tre đan xuất khẩu Toàn Phong đã đi vào sản xuất với nhiều mặt hàng như: khay đựng trầu, giỏ, làn, đĩa, bình, mâm hoa quả, ... Vừa qua, HTX đã xuất một lô hàng gần 2.000 sản phẩm các loại, thu về hơn 10 triệu đồng. Nghề này có thể làm vào thời gian nông nhàn, mỗi năm xã viên chỉ làm 8 tháng, còn lại lo việc đồng áng. Nhiều xã viên nhận nguyên liệu về cho người thân trong gia đình mình cùng làm vào buổi tối, kể cả trẻ em hay người già.

Thời gian tới, HTX Toàn Phong tiếp tục mở thêm nhiều lớp đào tạo mới đáp ứng nhu cầu của người dân. Ngoài ra, HTX sẽ chủ động tìm đầu mối trực tiếp thu mua nguyên liệu và bao tiêu sản phẩm không qua trung gian, nhằm giảm chi phí sản xuất và tăng giá thành sản phẩm, nâng cao thu nhập cho xã viên. Với thuận lợi như hiện nay sản phẩm làm ra đến đâu đều được tiêu thụ đến đấy, nên HTX đặt kế hoạch từ nay đến cuối năm sẽ sản xuất nhiều mặt hàng nhằm đáp ứng nhu cầu cho người tiêu dùng. Theo chị Nguyễn Thị Thinh, Chủ nhiệm HTX Toàn Phong thì khó khăn lớn nhất hiện nay vẫn là mặt bằng sản xuất, bên cạnh đó vấn đề vốn cũng khiến cho làng nghề gặp nhiều khó khăn. Chính vì vậy, để hợp nhất khâu bao tiêu sản phẩm và duy trì phát triển nghề mới ở nông thôn, chính quyền địa phương cần có những chính sách cụ thể hỗ trợ kịp thời, đặc biệt mặt bằng sản xuất, vấn đề vốn, thị trường… nhằm tạo điều kiện cho nghề đan mây tre phát triển ổn định, giúp người dân có việc làm, nâng cao thu nhập, cải thiện đời sống.

Làng nghề đậu gù Trà Lâm

Mỗi khi về mảnh đất Trà Lâm, xã Trí Quả (Thuận Thành), những người con xa quê hay khách đến thăm làng đều không quên mang theo món quà quê bình dị mà nặng nghĩa, nặng tình-Đậu gù Trà Lâm.

Làng nghề đậu gù Trà Lâm

Tương truyền rằng, năm 1640, ven dòng sông Dâu, Thiền sư Chuyết Chuyết đi từ chùa Phật Tích sang chùa Bút Tháp đã truyền nghề làm đậu cho bà con Trà Lâm. Kế tục đời này qua đời khác, bao thế hệ người dân nơi đây vẫn miệt mài sớm khuya với nghề đậu phụ và phát triển chăn nuôi.
Ngày nào cũng vậy, cứ 5 giờ sáng, anh Nguyễn Văn Thái ở Sài Đồng, Gia Lâm lặn lội về thôn Trà Lâm lấy đậu về giao cho các cửa hàng ở chợ Lý Thường Kiệt (Hà Nội). Anh Thái kể: “Mỗi ngày tôi bán được 250-300 cái đậu. Hôm nào người mệt không đi, khách hàng gọi điện liên tục, bởi người dân các khu phố đã quen và thích ăn món đậu dân dã mà đậm đà hương vị quê…”. Đậu Trà Lâm thơm ngon, mát lành có mặt ở khắp các chợ đầu mối, các tỉnh lân cận như Hà Nội, Bắc Giang…
Đến thăm gia đình bà Nguyễn Thị Tám, được mục sở thị công việc làm đậu. Công đoạn tưởng giản đơn, nhưng để đậu thơm ngon chất lượng không phải chuyện dễ. Bao năm qua, sản phẩm đậu Trà Lâm nức tiếng một vùng, hẳn phải có bí quyết gia truyền, chúng tôi hỏi. Bà Tám mỉm cười bảo: “Cũng chẳng có gì nhiều, điều quan trọng là đun bột đủ lửa, tạo men hợp lý và chắt bột non sẽ tạo đậu ngon, bảo quản lâu hơn”. Trước kia, đậu Trà Lâm chỉ đơn thuần được làm theo phương pháp thủ công thô sơ, không hiệu quả. Những năm gần đây, do tiếp xúc công nghệ mới, tìm được nguồn tiêu thụ, thương hiệu đậu gù Trà Lâm được nhiều nơi biết đến như một món ăn không thể thiếu trong mỗi bữa cơm gia đình hàng ngày.
Hiện nay, thôn có gần 400 hộ làm nghề đậu, chiếm hơn 80% số hộ. Mỗi gia đình nấu từ 15-40 kg đậu tương/ngày, trừ chi phí thu lãi từ 100-150 ngàn đồng/ngày. Ông Nguyễn Văn Dư, Trưởng thôn cho biết: “Xưa kia ao sen của làng nước trong xanh, các cụ thường lấy làm đậu, ngày nay Trà Lâm đã sử dụng nước sạch kết hợp máy móc như sử dụng nồi hơi, máy nghiền vừa nâng cao năng suất, tiết kiệm nhiên liệu, giảm nhiệt lượng, tạo bước chuyển biến trong quá trình phát triển làng nghề”.
Làm đậu phụ thu lãi, phần bã còn lại là nguồn thức ăn tiện tích, kích thích tăng trưởng đối với chăn nuôi lợn thương phẩm. Theo ông Dư thì có thời điểm cả thôn nuôi đến 6.000 con lợn các loại, trung bình mỗi hộ nuôi từ 10-50 con, đem lại nguồn thu nhập cao cho người dân.
Phát triển làng truyền thống kết hợp chăn nuôi gia súc đã tạo sự chuyển biến mạnh mẽ trong đời sống nhân dân. Thế nhưng câu chuyện về bảo vệ môi trường sinh thái trong khu dân cư đang trở thành nỗi âu lo, bức xúc của chính quyền địa phương. Quanh thôn, cống thoát nước đặc quánh một mầu đen sì, hôi thối, ô nhiễm nghiêm trọng. Ông Nguyễn Văn Dư cho rằng: “Tình trạng ô nhiễm chủ yếu là người dân đổ nước thải chăn nuôi ra cống tràn lan, kéo dài. Trong thời gian tới, chúng tôi vận động người dân xây dựng bể biôga làm chất đốt, nhằm bảo vệ môi trường sống”.

Làng nghề làm bánh cuốn ở Mão Điền

Nhắc tới Mão Điền (Thuận Thành) người ta thường biết với cái tên đất học, làng cá con, làng kẹo kéo… và ai cũng biết nơi đây còn gắn với 1 món ăn ngon có tiếng đó là bánh cuốn.

Trước đây khi những người đàn ông ở Mão Điền đi bán cá, những người phụ nữ ở nhà làm bánh cuốn nuôi con ăn học. Bánh cuốn ngày đó được làm bằng phương pháp thủ công phải qua nhiều công đoạn hơn các loại bánh khác. Đầu tiên phải xây lò, đóng than, đan giàng, đóng khuôn và đặt nồi. Bánh cuốn thơm và ngon hơn bởi hành vì vậy khâu chuẩn bị hành đòi hỏi rất công phu. Hành phải là những củ nhỏ, bóc hết vỏ khô, rửa sạch rồi thái mỏng đem phi thơm. Phi hành xong giã nhỏ khi nào bánh chín để nguội mới bôi lên. Khi đã có đủ những thứ đó người phụ nữ phải chọn, ngâm gạo, sát bột (sát bột bằng cối), lọc bột cho hết chất chua rồi mới quạt lò, tráng bánh. Để tráng được một thúng bánh từ 35-40kg người tráng phải ngồi bên lò suốt 5-6 giờ, mọi công đoạn đều đòi hỏi sự cẩn thận, khéo léo, kiên trì và nhanh nhẹn. Từ 2-3 giờ sáng những người phụ nữ đã phải gánh bánh đi bán khắp các làng các chợ để kịp cho khách ăn sáng. Công việc hết sức vất vả thế nhưng thu nhập chẳng đáng là bao, chủ yếu người dân lấy chất thừa như bột, cám để chăn nuôi lợn tăng thêm thu nhập cho gia đình.

Những năm gần đây nhân dân địa phương đã đầu tư công nghệ sản xuất bánh theo phương pháp mới. Mọi công đoạn sát bột, thái hành đều làm bằng máy. Sản xuất bánh cuốn bằng máy cho năng suất cao gấp 10-20 lần tráng bằng phương pháp thủ công, ít tốn công sức, thời gian và nguyên liệu hơn. Hiện nay, xã có 12 chiếc máy sản xuất bánh hiện đại, công suất lớn, sản xuất cho hơn 200 hộ tiêu thụ. Trong đó tập trung chủ yếu ở thôn 3 với 7 chiếc máy, sản xuất bánh cho hơn 100 hộ tiêu thụ. Một máy sản xuất trung bình 3,5 - 4tạ bánh/ngày vào mùa đông, 6-7 tạ bánh/ngày vào mùa hè. Một máy sản xuất có lợi nhuận từ 7-8 triệu đồng/tháng. Với những hộ tiêu thụ bánh, năng suất phụ thuộc vào tài kinh doanh của từng người. Hộ ít nhất bán được 50-70 kg bánh/ngày, hộ bán được nhiều nhất từ 2-3 tạ bánh/ngày, giá bánh cuốn là 10-12.000đồng/kg, trung bình thu nhập từ 2-9 triệu đồng/tháng. Để đáp ứng nhu cầu ăn uống ngày càng cao hơn của thực khách người dân làm 2 loại bánh, bánh hành và mộc nhĩ. Bánh được mang đi bán không chỉ trong mà cả ngoài tỉnh. Nhiều quán ăn, nhà hàng có tiếng ở Hà Nội, Hưng Yên, Hải Dương biết tiếng đã đặt bánh cuốn Mão Điền. Nhiều người ăn bánh cuốn Mão Điền còn lầm tưởng đây là bánh cuốn Thanh Trì-loại bánh cuốn nổi tiếng của thủ đô Hà Nội.


Gia đình anh Phan Duy Hiếu là một trong những gia đình sản xuất bánh nhiều và ngon của địa phương. Anh tâm sự: Bánh cuốn Mão Điền giờ ngon có tiếng lắm, chúng tôi phải thuê thêm người làm và phải làm việc liên tục từ 2 giờ chiều đến 3, 4 giờ sáng mới kịp bánh giao cho mọi người đi bán. Bánh mới luôn dẻo, dai, ngon và bảo đảm chất lượng”.
Ông Vũ Đăng Hách, Trưởng thôn 3 cho biết: Địa phương có chủ trương khuyến khích phát triển nghề làm bánh cuốn. Để bảo đảm chất lượng sản phẩm địa phương thường xuyên phối hợp với các cán bộ y tế xã, huyện đi kiểm tra vệ sinh an toàn thực phẩm và vệ sinh môi trường ở các cơ sở sản xuất bánh, nếu cơ sở nào không đảm bảo theo đúng yêu cầu sẽ bị xử lý nghiêm và buộc dừng sản xuất. Những đợt kiểm tra vừa qua cho thấy không có cơ sở nào vi phạm, hệ thống xử lý nước thải đều đáp ứng yêu cầu”.
Hiện Mão Điền có nhiều hộ làm bánh mang lại thu nhập cao cho nhiều người, góp phần đưa kinh tế địa phương phát triển. Nhờ phát triển các nghề phụ như sản xuất bánh cuốn đã nâng những ước mơ, hoài bão của lớp lớp những người con quê hương được bay cao, bay xa và trở thành hiện thực

Làng nghề bánh đa thôn Đoài

Thôn Đoài (Tam Giang, Yên Phong) nằm bên cạnh dòng sông Cầu, có những bãi bồi xanh ngát ngô và dâu tằm. Người dân thôn Đoài chủ yếu sống bằng nghề nông và nghề phụ tráng bánh đa, làm mì sợi. Hình ảnh những giàn bánh phơi trắng dọc con đê làng đã trở thành quen thuộc.


Theo những người cao tuổi trong làng kể lại, nghề tráng bánh đa có từ thời kỳ chống Pháp và trở thành nghề truyền thống ở địa phương. Khi chưa có máy xay bột bằng điện, người làm bánh đa, mì sợi vô cùng vất vả, cực nhọc trăm phần. Các bà dậy từ 3 giờ sáng xay bột bằng tay, dụng cụ xay là những chiếc cối bằng đá, ai xay nhiều cũng chỉ được 15kg, để sáng ra bắt đầu tráng bánh đa, mì sợi rồi phơi cho được nắng.
Khi có điện, người thôn Đoài từng bước hiện đại hoá quy trình gia công, chế biến, máy xay bột chạy bằng mô-tơ 3 pha. Họ mua gạo ngon, về xay thành bột và bán rong chủ yếu cho các hộ bán tạp hóa trong và ngoài huyện. Lời lãi chính là nước vo gạo, bột gạo thu được trong quá trình xay bột, hoặc là để tăng gia sản xuất, hoặc là để lại cho người chăn nuôi lợn.
Trước đây, có tới 90% số hộ trong làng làm nghề tráng bánh đa, mì sợi, mang lại thu nhập không nhỏ cho người dân. Cùng với quá trình công nghiệp hoá, số người làm nghề suy giảm dần. Hiện tại, thôn có 580 hộ dân với 3025 nhân khẩu thì chỉ còn lại 60 hộ theo nghề.
Từ năm 1991, những chiếc máy xay đầu tiên được người dân nơi đây mua về ứng dụng và cải tiến cho phù hợp với điều kiện sản xuất của địa phương. Nhờ đó, năng suất được nâng lên gấp 10 lần so với trước. Mỗi ngày, cả làng tráng hết gần 2 tấn gạo, cho ra lò 1,5 tấn bánh đa, mì sợi. Nghề tráng bánh đa, mì sợi cho thu nhập từ 100.000-150.000 đồng/ngày, song người dân nơi đây vẫn tự hào với sản phẩm làm ra. Bánh đa và mì sợi thôn Ðoài không pha bột sắn, chỉ làm bằng thứ gạo trắng ngon nõn nà.
Bà Nguyễn Thị Sổ, một người làm nghề (đã đến đời thứ 4) tâm sự: “Nghề này vất vả lắm, nay trong làng chỉ còn mấy chục hộ gia đình tráng bánh, một số người dân đang chuyển sang ngành nghề khác, đi làm thợ xây, người thì làm KCN... Nghề tráng bánh đã không quá tấp nập nữa”. Bà Sổ không ngần ngại "bật mí" bí quyết làm bánh đa và mì sợi của gia đình, gạo ngon vo sạch rồi cho vào ngâm 3 tiếng đồng hồ, sau đó mang xay bỏ thêm chút muối rồi cho lên tráng. Mì sợi tráng một lượt, bánh đa tráng 2 lượt sau đó rắc vừng lên trên rồi mang hong khô, có 2 người làm bánh ngồi cạnh một chiếc lò than lớn để tráng bánh. Người này mệt, người kia thay phiên. Mỗi ngày gia đình bà Sổ tráng được 60kg gạo. Giá mì sợi khô từ 7.000-8.000 đồng/kg. Giá bánh đa 5.000 đồng/chiếc.
Gia đình anh Nguyễn Sỹ Loan, một điển hình làm nghề cho biết: “Tận dụng những phụ phẩm thu từ nghề, vợ chồng tôi nuôi 30 con lợn thịt, tăng thêm thu nhập cho gia đình”. Đi lên từ nghề mì sợi, anh Loan luôn biết cách tính toán để công việc của mình mang hiệu quả kinh tế cao. Đã 23 năm làm mì sợi, từ tay trắng anh xây được nhà, mua xe máy và sắm sửa tiện nghi sinh hoạt, cho các con học hành đến nơi đến chốn, đó là niềm tự hào và nguồn động viên to lớn của gia đình. Nhờ có nghề làm bánh đa, mì sợi, gia đình anh không những đã vượt qua những khó khăn mà còn từng bước làm giàu hiệu quả.
Cực nhọc là thế nhưng nhờ tần tảo và tiết kiệm, làm bánh đa, mì gạo đang là nghề giúp nhiều người dân thôn Đoài ăn nên làm ra, xây dựng cuộc sống ấm no, hạnh phúc. Họ đã hỗ trợ, tạo công ăn việc làm cho nhau, giúp nhau có thu nhập ổn định, có cuộc sống ngày càng được cải thiện, người dân thôn Đoài đã thay đổi cuộc sống và từng bước làm giàu nhờ hạt gạo quê hương.

Nghề hương làng Chóa

Về làng Choá vào những ngày này ai ai cũng cảm nhận được mùi hương thơm ngào ngạt, thanh tao lan toả. Những nứa, những tăm nhuộm màu xòe ra như đóa hoa hàng ngàn cánh. Giàn phơi hương cũng trải khắp trong nhà, ngoài ngõ, với màu vàng của tăm nứa, màu đỏ của chân hương, màu đen của nhựa trám và bột than hoa đan xen nhau tạo nên bức tranh rực rỡ sắc màu.

Nghề hương làng Chóa

Chuẩn bị nguyên liệu trước khi làm hương.
Nghề làm hương không chỉ là nét đẹp mang bản sắc văn hoá dân tộc, mà còn mang lại nguồn thu nhập đáng kể cho người dân nơi đây. Theo ông Nguyễn Hữu Tuyết, Trưởng thôn Choá thì nghề làm hương ở đây không biết có từ bao giờ chỉ biết rằng lớn lên từ người già đến trẻ nhỏ đều có thể đảm nhận được một số khâu trong quá trình sản xuất. Khâu nhồi bột cần người có sức khỏe để bột được đều, dẻo; chẻ nan, vót tăm cần đến người già tỷ mỉ, cẩn thận vót từng que tăm sao cho thật tròn và mịn; xe hương chủ yếu là trẻ em.
Để hương đốt lên có mùi thơm đặc biệt, cháy hết nén và xoắn vòng lộc, người làm hương phải chọn lựa nguyên liệu rất kỹ. Ngay từ đầu năm họ đã đi khắp vùng núi phía Bắc như Tuyên Quang, Bắc Cạn… để đặt mua nứa, than hoa, nhựa trám. Khâu chuẩn bị nguyên liệu mất nửa năm nhưng để làm thành sản phẩm và tiêu thụ chỉ trong 2 tháng. Cứ bước vào cuối tháng Chín âm lịch là làng Choá người người làm hương, nhà nhà làm hương. Sở dĩ người dân chọn dịp này vì đây cũng là lúc cây trám trắng trên thượng nguồn chảy nhựa, nhựa trám trộn với bột than hoa rồi xe với cốt hương bằng tre nứa, khi thắp hương có mùi thơm đậm đà. Ông Đào Khắc Nhất, người có nhiều năm trong nghề làm hương cho hay: “Phương thức làm hương quan trọng nhất là khâu pha chế, nếu pha chế không đúng cách thì hương cháy kém và có mùi khét. Trước tiên là chẻ nứa thành những thanh nhỏ vót tròn đều có chiều dài từ 50 cm đến 1 m, phơi khô, rồi nghiền nhỏ than hoa, nấu nhựa trám trộn với nhau theo tỷ lệ 6 phần nhựa trám, 4 phần than hoa tạo đủ độ dẻo, thơm và có màu đen bóng, cuối cùng là công đoạn xe hương. Mỗi vụ gia đình tôi làm khoảng 4 tấn hương, tạo công ăn việc làm cho hàng chục lao động theo thời vụ với tiền công 120.000 đồng/ngày. Giá bán buôn là 60.000 đồng/100 cây hương dài 1 m, giá bán lẻ 1.000 đồng/cây”. Cũng như bao gia đình khác trong làng, trước đây gia đình ông Nhất chỉ làm hương để dùng trong gia đình, song qua tìm hiểu tâm lý người tiêu dùng thấy người dân chuộng loại hương này, đặc biệt là vào các dịp lễ, Tết, ông đã vận động các thành viên trong gia đình tranh thủ những lúc nhàn rỗi để làm hương. Mỗi năm nghề này cũng cho gia đình ông thu nhập trên 40 triệu đồng. Người làng Choá cho rằng, nghề làm hương liên quan đến tâm linh, lương tâm làm nghề không cho phép họ cẩu thả, làm hương giả, hương kém chất lượng. Mỗi mẻ hương, người thợ đều cẩn thận đốt thử để kiểm tra chất lượng xem có cháy đều, cháy hết không, hương thơm ra sao, hình thức thế nào...
Hiện nay toàn thôn có hơn 300/650 hộ làm nghề hương truyền thống, sản lượng hương đen đạt hàng chục tấn/năm với doanh thu từ 1- 1,5 tỷ đồng. Tuy nhiên, thời điểm này nghề hương của làng chỉ dừng lại ở một nghề mang tính gia đình, rải rác và xem như là một nghề phụ. Chưa có ai đứng ra quy tụ, tập hợp và đề một hướng phát triển thích hợp mang tầm cỡ tổ hợp hay doanh nghiệp tư nhân. Để hương làng Choá phát triển thành sản phẩm hàng hoá, thì cần có sự quan tâm hơn của cấp uỷ, chính quyền địa phương. Trao đổi với chúng tôi về vấn đề gìn giữ và phát triển nghề làm hương, đồng chí Ngô Văn Hùng, Phó Chủ tịch xã Dũng Liệt cho biết: “Trong thời gian tới, chúng tôi tiếp tục vận động nhân dân ở các thôn khác trong xã làm hương để vừa giữ nghề vừa tăng thêm nguồn thu nhập cho nhân dân, đồng thời khuyến khích nhân dân trồng một số cây nguyên liệu chính để bảo đảm cung cấp nguyên liệu cho nghề làm hương”.

Làng nghề chạm gỗ Phù Khê

Vốn đã nổi tiếng trong lịch sử với những sản phẩm chạm rồng truyền thống, ngày nay làng nghề chạm gỗ Phù Khê lại nổi tiếng khắp vùng gần xa với những sản phẩm gỗ mỹ nghệ cao cấp, có giá trị kinh tế cao, không chỉ được người tiêu dùng trong nước ưa chuộng mà còn được xuất khẩu với số lượng không hề nhỏ.



Là một trong những vùng đất trù phú nằm ở phía Bắc huyện Từ Sơn, tỉnh Bắc Ninh, làng nghề chạm gỗ Phù Khê từ lâu đã nổi tiếng là nơi lưu giữ nhiều tinh hoa của nghệ thuật chạm khắc Việt Nam, đặc biệt là nghệ thuật chạm rồng. Trải qua gần 800 năm lịch sử, sản phẩm chạm rồng của Phù Khê vẫn được những người trong nghề đánh giá là mềm mại, tinh tế nhưng rất cá tính trong hình dáng đường nét.
Ngày nay, trong vòng xoáy mạnh mẽ của nền kinh tế thị trường và trước những nhu cầu ngày càng đa dạng của người tiêu dùng, Phù Khê không chỉ đổi mới, phát triển những sản phẩm chạm khắc truyền thống mà còn mở rộng sang sản xuất những sản phẩm gỗ mỹ nghệ cao cấp cung cấp cho thị trường trong nước và xuất khẩu. Ông Nguyễn Thành Hưng, Trưởng thôn Phù Khê cho biết, khoảng 10 năm trở lại đây mảng sản xuất hàng gỗ mỹ nghệ của Phù Khê phát triển rất mạnh. Làng nghề hiện có 3 doanh nghiệp và 70 cơ sở chuyên sản xuất và kinh doanh các mặt hàng gỗ mỹ nghệ, giá trị sản xuất của nghề chiếm tới 80% tổng giá trị sản xuất toàn thôn.


Và theo lời chia sẻ của ông Nguyễn Tiến Mạnh, Chủ Cở sở sản xuất Tiến Mạnh, sản phẩm của làng nghề bao gồm cả sản phẩm truyền thống (chạm rồng, tạc tượng, tạc con giống…) và sản phẩm mộc mỹ nghệ (sập, tủ, bàn ghế, hương án, bình phong…) đều mang những đặc điểm riêng chỉ có ở Phù Khê như: tinh xảo, có hồn, chính xác và thoáng… những đặc điểm này đã tạo nên giá trị kinh tế rất lớn cho sản phẩm của làng nghề. Ví như một bộ bàn ghế Khánh, không khảm có giá từ 50-500 triệu đồng tùy theo chất lượng của gỗ, hay một bức tượng phật quan âm cao khoảng 40cm, được làm bằng gỗ hoàng đàn có giá khoảng 80 triệu đồng....Và cũng chính những nét chạm khắc độc đáo của sản phẩm mộc Phù Khê đã đưa sản phẩm của làng nghề vượt sang thị trường Trung Quốc, Lào, các nước Đông Âu…, trong đó 70% sản phẩm xuất khẩu của làng nghề được xuất đi Trung Quốc với giá trị khoảng 70 tỷ đồng mỗi năm.
Với nhiều nỗ lực trong việc nắm bắt sự thay đổi của thị trường, cải tiến mẫu mã, nâng cao chất lượng sản phẩm, đưa thiết bị công nghệ vào sản xuất (hiện 90% công đoạn sản xuất của làng nghề được cơ giới hóa), làng nghề chạm gỗ Phù Khê đã có những bước tiến dài trong quá trình phát triển và ngày càng khẳng định được thương hiệu sản phẩm gỗ Phù Khê trên thị trường.

Tuy nhiên, chính sự phát triển mạnh mẽ của làng nghề đã khiến Phù Khê rơi vào tình trạng thiếu lao động, nhất là lao động tay nghề cao. Mặc dù, có đến 85% số lao động của Phù Khê và luôn có khoảng 800 thợ ở các địa phương khác về Phù Khê học và làm nghề nhưng theo lời của ông Mạnh, “làng nghề vẫn thiếu lao động trầm trọng”. Nhiều CSSX đã không dám nhận đơn đặt hàng của các DN trong và ngoài nước do không đảm bảo được thời gian giao hàng. Đứng trước tình trạng thiếu lao động, từ năm 2009 Hiệp hội làng nghề Phù Khê đã tổ chức nhiều lớp đào tạo nghề cho lao động địa phương khác có nguyện vọng học nghề, nhưng hình thức đào tạo chủ yếu thông qua truyền nghề và vừa học vừa làm là chính nên thời gian học lâu và không bài bản khoa học. Đặc biệt, không phải 100% số lao động được đào tạo học được cách chạm khắc những sản phẩm truyền thống, do để làm được những sản phẩm này ngoài việc đòi hỏi phải có thời gian học lâu, lòng kiên nhẫn và đặc biệt là “tố chất” của người học. Hiện nay Phù Khê ngoài nghệ nhân Nguyễn Kim thì số người làm được những sản phẩm chạm khắc truyền thống chỉ đếm được trên đầu ngón tay. Vì vậy, để Phù Khê phát triển tương xứng với tiềm năng, làng nghề rất mong muốn nhận được sự hỗ trợ của các cơ quan nhà nước trong việc tìm kiếm và đào tạo nguồn nhân lực./

Hội Lim - Bắc Ninh

Vùng đất Kinh Bắc không chỉ là đất võ mà còn là đất văn, nơi đây đã sản sinh cho đời rất nhiều thuần phong mỹ tục. Hệ thống hội hè, đình đám và ca hát là nét đẹp tiêu biểu của đất này nhưng không gì gây dấu ấn sâu đậm bằng Hội Lim vùng quan họ.
 
Hội Lim - Bắc Ninh
 
Hội Lim được tổ chức vào ngày 13 tháng giêng hàng năm, đó là hội hàng tổng gồm các làng Nội Duệ, Nội Duệ Khánh, Nội Duệ Nam, Lũng Giang (tức Cầu Lom và Xuân Ó). Tổng Nội Duệ huyện Tiên Du (nay là Tiên Sơn) trải dài trên đôi bờ sông Tiêu Tương, ôm ấp ngọn núi Hồng Vân (còn gọi là núi Lim), trên có ngôi chùa thờ phật. Hội Lim là nét kết tinh độc đáo của vùng văn hoá Kinh Bắc.
 
Như các lễ hội khác, hội Lim cũng có đủ các phần từ lễ rước, lễ tế đến các trò chơi như đấu võ, đấu vật, đấu cờ, đu tiên, thi dệt cửi, nấu cơm... nhưng phần căn bản nhất của Hội Lim là hát. Từ hát mời trầu, hát gọi đò đến con sáo sang sông, con nhện giăng mùng... Cả một trời âm thanh, thơ và nhạc náo nức không gian, xao xuyến lòng người. Những áo mớ bảy mớ ba, nón ba tầm, quai thao, dải yếm lụa sồi, những ô lục soạn, khăn đóng, áo cặp the hoa gấm... như ẩn chứa cả sức sống mùa xuân của con người và tạo vật.
 
Cách chơi hội của người quan họ vùng Lim cũng là cách chơi độc đáo. Dường như mỗi cử chỉ giao tiếp đã mang trong nó một sắc thái văn hoá cao. Hội Lim xưa để lại trong lòng người đi hội một cái gì đẹp lắm. Người vùng Lim, nhất là các cụ già không ai nghĩ về thời thơ trẻ và các ngày hội của mình như nghĩ về một quá khứ buồn, trái lại mọi người đều như nhớ về tuổi xuân, mùa xuân và cội nguồn, gốc gác. Hội Lim bây giờ vẫn bảo tồn cốt cách của hội Lim xưa, nhưng đã xen phần dấu ấn của văn hoá đương đại.
 
Chỉ cách Hà Nội 18km nên Hội Lim không chỉ mở riêng cho tổng Nội Duệ xưa mà trai thanh gái lịch thủ đô và các vùng lân cận cũng náo nức mong chờ. Người Lim vẫn hát quan họ trên đồi Lim và dưới thuyền, nhưng phải hát bằng micro qua máy phóng thanh. Vậy là người Lim không còn hát giao duyên trong một không gian hạn hẹp mà hát cho cả thiên hạ, cả đất trời và mùa xuân cùng nghe.
 
Tuy nhiên, những ai sành thưởng thức và lọc lõi dân ca quan họ thường đi lang thang trong các làng vào ngày hội, để nghe các cụ vùng quan họ hát thâu đêm. Lời ca quan họ và tiếng trống hội làng như len lỏi trong tâm khảm làm thức dậy trong mỗi người những gì thiêng liêng và cao quý nhất.

Thursday, February 13, 2014

Lạc Thổ - Làng văn hóa cổ đất Kinh Bắc

Nằm ven sông Đuống, làng Lạc Thổ có những nét đặc trưng của văn hóa dân tộc Việt Nam và là một trong hai làng cổ của tỉnh Hà Bắc cũ. Hà Bắc có Lạc Thổ và Đại Tráng là làng có số tiến sĩ đỗ đạt từ 5 người trở lên... Riêng số cử nhân ở Lạc Thổ có trên 50 người, tiến sĩ: 6 người. Tên tuổi các bậc tài nhân đều được ghi lên bia, hiện lưu giữ ở làng.
Lạc Thổ - Làng văn hóa cổ đất Kinh Bắc


Lạc Thổ là một vùng quê yên ả với những mái ngói, đình làng cổ kính, cảnh quan thiên nhiên bình dị mang nét đẹp của làng quê Việt Nam. Vua Tự Đức triều Nguyễn đã từng phong cho làng là "Mỹ tục khải phong", điều đó đủ thấy nét đẹp văn hóa của làng cổ này.
Năm 1522 khoa thi cả nước có 32 vị thi cử tiến sĩ thì riêng làng có 3 vị đỗ đạt cao. Thi cử nhân có 50 người thì có cụ Nguyễn Xuân Liêm xếp thứ 15. Năm 1786, triều đình nhà Lê tàn phá làng Lạc Thổ. Trước cảnh đó, bà Tá Thị Hoa đã đứng ra chiêu mộ dân xây lại làng, hiện ở làng còn có bia ghi lại công đức của bà.

Lạc Thổ - Làng văn hóa cổ đất Kinh Bắc

Làng Lạc Thổ là địa danh rất nổi tiếng bởi giống gà Hồ, giống gà đặc biệt chỉ có duy nhất ở đây. Người Nhật Bản đã về tận làng đặt mua gà giống, trả 20-30 đô la một con mới nở mà dân làng không bán. Năm nào cũng vậy, mỗi khi hội làng, vào tháng 2 và ngày 10/8 âm lịch, Lạc Thổ có hội thi gà Hồ để chọn con gà đẹp nhất. Hiện nay, ở làng còn có hội thả chim. Làng có tới trên 30 nhà nuôi chim hội, mỗi đàn từ 20 đến 40 con. Nuôi chim hội phải bỏ công rất tốn kém, chăm sóc công phu, vậy mà khi thi đấu sơ xuất chim bỏ đi cả đàn, chủ đành phải nuôi lại đàn khác. Làng có hội sinh vật cảnh, có nhiều nhà vườn, ao cá, cảnh quan thiên nhiên tuyệt vời. Nói đến thú "điền viên" phải nói tới ông Nguyễn Văn Mỹ- chủ tịch hội sinh vật cảnh. Vườn nhà ông hơn 700 m2 mà chật những cây cảnh, gồm 100 loài từ khắp các miền đất nước. Làng cổ có bề dày lịch sử hơn 2000 năm này hiện nay không chỉ dừng ở một làng cổ văn hóa nữa, làng không ngừng đổi mới, nâng cao đời sống của người dân và phát huy truyền thống vốn có của làng văn hóa cổ đất Kinh Bắc. Các thế hệ mới đỗ đạt cao nay cũng được ghi vào danh sách, đưa vào văn chỉ của làng.

Làng nghề bún Làng Tiền

Mỗi khi thưởng thức món riêu cua, chả nướng, ốc xào… người dân xứ Bắc thường nhắc tới bún làng Tiền, xã Khắc Niệm (T.P Bắc Ninh)

Làng nghề bún Làng Tiền

“Bún Ném khô sợi, dẻo, giòn.No bụng mà vẫn muốn còn ăn thêm”
Nghề làm bún ở làng Tiền (Ném) có hàng trăm năm nay, đời này kế tiếp đời kia. Để thương hiệu sản phẩm, người Ném Tiền đã kỳ công chọn gạo không dính, không hẩm và không hề pha chế bất kỳ loại bột nào. Nước làm bún phải trong sạch và phù hợp bắt nhịp cùng khí hậu theo chu kỳ thời gian trong năm. Vì vậy bún Ném Tiền có ở khắp các nơi như Hà Nội, Hưng Yên, Lạng Sơn, Thái Nguyên, Bắc Giang.

Hiện nay, toàn xã có khoảng 600 hộ làm nghề sản xuất bún, mỗi ngày cung cấp cho thị trường trên 7 nghìn tấn bún, bánh các loại. Không ngừng đổi mới công nghệ, nâng cao năng suất và chất lượng, nhiều hộ gia đình đã đầu tư máy móc, cải tiến công nghệ. Hiện xã Khắc Niệm có 60 hộ sử dụng máy làm bún công suất lớn.

Gia đình bà Nguyễn Thị Liên (thôn Tiền Ngoài) trước đây, bún được sản xuất theo phương pháp truyền thống, qua nhiều công đoạn, tốn thời gian công sức. Từ khi có máy móc, thời gian sản xuất bún được rút ngắn, lượng nước sử dụng để sản xuất cũng giảm. Theo bà Liên thì cách làm bún bằng máy sợi bún đều, dẻo ngon và bảo đảm vệ sinh thực phẩm hơn bún làm từ phương pháp thủ công. Do sau khi bột được ủ lên men thay vì dùng vật nặng ép cho ráo nước thì được cho vào máy vắt ly tâm, tách được tối đa phần nước chua. Bên cạnh đó, nhiều hộ gia đình còn tận dụng những nguyên liệu thừa từ khâu sản xuất bún để chăn nuôi gia súc, gia cầm, đồng thời kết hợp xây bể biôga giảm thiểu ô nhiễm môi trường. 
Năm 2009, UBND xã đã phối hợp với Viện Khoa học thuỷ lợi Việt Nam xây dựng dự án xử lý nước thải làng nghề sản xuất bún trên diện tích 2 nghìn m2 với công suất thiết kế: 400m3/1 ngày-đêm. Đây là mô hình thí điểm đầu tiên nằm trong chương trình mục tiêu quốc gia về VSMT, can thiệp giảm thiểu ô nhiễm tại khu vực làng nghề đồng bằng Bắc bộ do Viện KHTL Việt Nam làm chủ đầu tư. Các hạng mục chính được thi công xây lắp gồm bể xử lý nước thải, ao sinh học xử lý hao khí đáp ứng yêu cầu xử lý nước thải từ hàng trăm hộ làm bún của xã.
Nâng cao chất lượng sản phẩm, mở rộng quy mô sản xuất gắn với bảo vệ môi trường là hướng đi đúng đắn đem lại nhiều lợi ích lợi nhuận kinh tế của người dân địa phương mà còn góp phần duy trì, bảo đảm sự phát triển bền vững của một làng nghề truyền thống.

Làng nghề làm chổi ở Xuân Hội

Nghề làm chổi ở Xuân Hội, xã Lạc Vệ (Tiên Du) đã có từ cách đây hàng trăm năm, tạo công ăn việc làm và mang lại thu nhập ổn định cho hàng trăm hộ dân ở địa phương.
Làng nghề làm chổi ở Xuân Hội

Từ xưa, người Xuân Hội đã biết tận dụng đôi tay khéo léo của mình làm ra những sản phẩm cao cấp và hàng gia dụng từ mây tre. Trước đây, chổi nan là sản phẩm chính của làng, nhưng để đáp ứng nhu cầu thị trường, một số hộ gia đình đã sản xuất thêm nhiều chủng loại như chổi lúa, chổi đót, chổi nhựa… được khắp nơi ưa chuộng. Có rất nhiều hộ gia đình mở cơ sở sản xuất lớn và thu hút nhiều lao động như gia đình chị Nguyễn Thị Lan, anh Nguyễn Xuân Sâm, anh Nguyễn Quang Thành, Nguyễn Văn Tưởng… Họ đã biết thích nghi với thị hiếu của người tiêu dùng, vừa khôi phục được nghề truyền thống vừa sinh kế mới, giữ cho làng nghề dần phát triển ổn định. Nghề làm chổi đã và đang mang lại cho người dân Xuân Hội một nguồn thu đáng kể. Ông Đặng Ngọc Điệt, trưởng thôn Xuân Hội phấn khởi cho biết, hiện nay, thôn Xuân Hội có 680 hộ thì có 400 hộ có nghề phụ làm chổi, mây tre đan, tạo việc làm ổn định cho hơn 800 lao động. Nhờ có nghề làm chổi, tỷ lệ hộ nghèo năm 2010 chỉ còn ở mức 8,2%, đời sống người dân được nâng cao. Mỗi năm, doanh thu của cả thôn từ nghề làm chổi, mây tre hơn 1 tỷ đồng.
Kể về việc ăn nên làm ra từ chổi ở Xuân Hội, ai cũng phải khâm phục cho sự chịu khó, năng động của vợ chồng anh Đặng Ngọc Hùng (35 tuổi), chị Nguyễn Thị Lan (32 tuổi). Dù còn trẻ, nhưng họ là những người tiên phong trong việc phát triển cây chổi đót ở địa phương và rất thành công trong việc làm giàu từ chổi. Trung bình mỗi ngày anh chị xuất bán khoảng 300-400 chiếc, có ngày lên đến hơn 1.000 chiếc, lợi nhuận thu được hàng trăm triệu đồng mỗi năm. Từ kinh nghiệm đúc rút qua nhiều năm làm chổi, cứ đến tháng Giêng là chính vụ đót, vừa rẻ vừa đẹp, chị lại đầu tư 300-400 triệu đồng để mua đót dự trữ để đầy 2 kho rộng hơn 200m2. Không chỉ sản xuất chổi đót, anh chị còn sản xuất thêm chổi lúa, chổi nan. Cơ sở của anh chị là một trong những cơ sở lớn nhất Xuân Hội, tạo việc làm thường xuyên cho gần 30 lao động. Đặc biệt, anh chị còn tạo điều kiện cho 20 chị em trong thôn vay vốn cùng phát triển kinh tế với số tiền vài trăm triệu đồng. Vừa là chủ sản xuất, anh chị còn đi giao hàng khắp các tỉnh như Hải Dương, Hưng Yên, Hà Nội… Nhờ chịu khó và nắm bắt được nhu cầu của thị trường, cơ sở của anh chị ngày càng phát triển, không chỉ làm giàu cho mình mà còn giúp những người trong thôn cùng làm kinh tế hiệu quả.
Nhà anh Nguyễn Xuân Sâm, chị Đặng Thị Chi thì chuyên sản xuất loại chổi nan. Trước kia, chị làm ruộng, anh lắp điện nước, thu nhập cũng chỉ đủ ăn. “Nếu chỉ trông vào hạt thóc thì không thể đủ để trang trải cho cả gia đình, nhất là chuyện học hành của con cái”- anh Sâm chia sẻ. Trăn trở mãi, anh quyết định quay lại với nghề truyền thống của làng, làm giàu từ những cây chổi. Lúc đầu do thiếu vốn, ít kinh nghiệm, mối hàng chưa nhiều nên anh chị chỉ buôn một vài bó cán. Nhận thấy lời lãi thu chẳng được bao nhiêu, anh thấy chỉ có cách quay sang sản xuất chổi mới có thể phát triển được. Anh đầu tư mua nguyên liệu, thuê lao động chẻ nan với giá 900 đồng/1kg tre tươi rồi lại thu gom và hoàn thiện tại nhà. Cơ sở dần mở rộng, hiện nay với số công nhân ổn định 15-20 người, trung bình một ngày gia đình anh sản xuất 400 chổi, thu nhập hàng trăm triệu một năm. Với tính kiên trì, chịu khó, anh chị vừa phát triển được kinh tế gia đình, lại có thêm điều kiện chăm lo cho hai con đang học cao đẳng.
“Sản xuất chổi vừa tận dụng được các nguồn lao động, vừa giải quyết việc làm lúc nông nhàn, nhất là người khuyết tật và không còn sức lao động, tăng thêm thu nhập cho các hộ. Tuy nhiên, nghề làm chổi nói riêng và sản xuất mặt hàng mây tre ở thôn hiện nay nói chung vẫn còn hạn chế là mới chỉ được duy trì và phát triển theo hộ gia đình. Những mặt hàng xuất khẩu vẫn phải làm gia công cho Hà Tây và Hưng Yên chứ chưa có đủ điều kiện để xuất thẳng ra nước ngoài. Xã khuyến khích các hộ đầu tư, đi vào hoạt động sản xuất với quy mô lớn hơn, chuyên nghiệp hơn, tạo việc làm cho người dân và tạo mọi điều kiện cho các hộ trong việc quảng bá, tìm đầu ra cho sản phẩm”- Ông Đặng Xuân Tựu, Bí thư Đảng ủy xã Lạc Vệ chia sẻ. “Chúng tôi đang kiến nghị với các cơ quan chức năng của huyện, tỉnh sớm công nhận làng nghề mây tre Xuân Hội là làng nghề truyền thống chính thức của tỉnh và sớm quy hoạch đưa khu vực làng nghề ra khỏi khu dân cư để tiện cho việc phát triển sản xuất”.
Bộ mặt Xuân Hội ngày nay đã đổi khác. Ngõ xóm sạch đẹp, nhiều ngôi nhà mới khang trang được mọc lên, phần lớn là nhờ vào nguồn thu nhập từ nghề này. Hi vọng, tương lai không xa, khu làng nghề được quy hoạch, Xuân Hội sẽ ngày càng phát triển và giàu đẹp hơn.

Làng nghề tre trúc Xuân Lai

Làng nghề Tre trúc Xuân Lai thuộc huyện Gia Bình, tỉnh Bắc Ninh (Cách Hà Nội khoảng 30 km) được xem là cái nôi của tre trúc, người tiêu dùng đã quen với những cán cờ, cán quốc, thang tre hay tre trúc ốp tường xưa nay, ngày nay Xuân Lai còn nổi tiếng với các sản phẩm nội thất mỹ nghệ...từ tre, trúc khác, mặt hàng lớn như sa lông, xích đu, giá sách, nhà tre, bàn café, tủ ...nhỏ như lót cốc, mắc áo, lọ hoa...Đặc biệt, các sản phẩm từ tre có mầu nâu đen bóng mà không phải do sơn.

Làng nghề tre trúc Xuân Lai

Các cụ ta ngày xưa chỉ dùng chiếu cói mà còn dùng cả chiếu tre, bàn ghế gỗ mà còn dùng cả bàn ghế tre, tủ tre.... Những đồ dùng và vật trang trí bằng tre được phối kết vững trắc cả về hình khố mầu sắc bền đẹp và có giá trị sự dụng cảo bởi sự tiện lợi và thoải mái của Cây tre quê hương. Chiếu được những thanh tre mảnh, nhẵn đan chặt vào nhau bằng dây mây. Chiếu này nằm thoáng mát và kiêm luôn cả giát giường. Chiếu tre thủ công có hai loại: Đen và Trắng. Loại đen để trần thanh tre, loại đen do một " công nghệ" đặc biệt mà dân làng Xuân Lai – Gia Bình tự hào về sự độc quyền đem lại một biên độ mầu hoà lẫn những cánh gián v ớ i gụ khó lẫn vào đâu được. Vật liệu để làm nên nhiều mặt hàng độc đáo trong đó có chiếu, tranh tre, đồ nội thất..., gọi là tre hun.

Sau khi được "cạo trấu" ngâm dưới ao vài tháng và một vài khâu khác, tre không phải gác bếp cho dính bồ hóng mà được hun trong lò dưới đất, tre gác lên trên, đắp kín gằng rơm chộn đất sét. lò này " chạy" bằng rơm, chỉ có khói không có lửa và được chát kín 4 ngày đêm, chỉ trừ những lúc tiếp nhiên liệu. Sản phẩm được dỡ ra trở nên nhẹ, dai và không phai mầu, chống mối mọt. Các sản phẩm làm từ tre và được hun theo phương thức nói trên theo người dân nơi đây kể lại từ 20-25 năm.

Hiện nay, Làng nghề Xuân lai tiếp tục được các nghệ nhân gìn giữ và Phát triển với những sản phẩm được trưng có giá trị sử dụng và nghệ thuật cao như Tranh tre, nội thất bằng tre và cả những công trình kiến trúc, khuôn viên đựơc thiết kế trang trí từ tre hun Xuân Lai. Sản phẩm của làng Xuân lai không chỉ được người dân trong nước đón nhận màcòn được bè bạn quốc tế biết đến qua các tour du lịch, qua các doanh nghiêp xuất khẩu đồ mỹ nghệ của Việt Nam và Quốc tế.

Làng gốm Phù Lãng

Làng gốm Phù Lãng thuộc xã Phù Lãng, huyện Quế Võ, tỉnh Bắc Ninh, cách Hà Nội khoảng 60 km và cách sông Lục đầu khoảng 4 km. Phù Lãng nằm bên bờ sông Cầu và có nhiều bến đò ngang suốt ngày chở khách qua lại. Địa danh Phù Lãng có thể có từ cuối thời Trần đầu thời Lê. Vào thời kỳ này, Phù Lãng có 3 thôn: Trung thôn, Thượng thôn, Hạ thôn. Phù Lãng được trong và ngoài nước biết đến với nghề gốm truyền thống.


Theo Tô Nguyễn, Trình Nguyễn trong sách Kinh Bắc-Hà Bắc thì ông tổ nghề gốm Phù Lãng là Lưu Phong Tú. Vào cuối thời Lý, ộng được triều đình cử đi sứ sang Trung Quốc. Trong dịp đi này, ông học được nghề làm gốm và truyền dạy cho người trong nước. Đầu tiên, nghề này dược truyền vào vùng dân cư đôi bờ sông Lục Đầu sau đó chuyển về vùng Vạn Kiếp (Hải Dương). Vào khoảng đầu thời Trần (thế kỷ 13) nghề được truyền đến đất Phù Lãng Trung
Nghề gốm Phù Lãng được hình thành và phát triển ở đây vào khoảng thời Trần, thế kỷ XIV. Hiện nay, Bảo tàng Lịch sử Việt Nam, một số nhà sưu tập còn lưu giữ và trưng bày một số sản phẩm gốm Phù Lãng có niên đại khoảng thế kỷ 17 - 19. Đó là sản phẩm gốm men nâu và những sắc độ của nó như men da lươn, vàng nhạt, vàng thẫm, vàng nâu...
Gốm Phù Lãng tập trung vào 3 loại hình:
- Gốm dùng trong tín ngưỡng (lư hương, đài thờ, đỉnh...);
- Gốm gia dụng (lọ, bình, ang, chum, vại, bình vôi, ống điếu...);
- Gốm trang trí (bình, ấm hình thú như ngựa, voi...).


Gốm Phù Lãng có nét sắc thái riêng biệt, đó là những sản phẩm gốm men nâu, nâu đen, vàng nhạt, vàng thẫm, vàng nâu… mà người ta gọi chung là men da lươn. Thêm nữa, nét đặc trưng nổi bật của gốm Phù Lãng là sử dụng phương pháp đắp nổi theo hình thức chạm bong, còn gọi là chạm kép, màu men tự nhiên, bền và lạ; dáng của gốm mộc mạc, thô phác nhưng khỏe khoắn, chứa đựng vẻ đẹp nguyên sơ của đất với lửa, và rất đậm nét của điêu khắc tạo hình.

Kỹ thuật làm gốm
Chọn và xử lý đất sét
Khác với những sản phẩm gốm lấy chất liệu từ “xương” đất sét xanh của Thổ Hà, sét trắng của Bát Tràng, gốm Phù Lãng được tạo nên từ “xương” đất đỏ hồng lấy từ vùng Thống Vát, Cung Khiêm (Bắc Giang). Đất được chở về Phù Lãng theo đường sông. Điều này rất thuận lợi do Phù Lãng không phải lấy đất sét tại chính làng họ, tránh phá vỡ cấu trúc địa chất và cảnh quan làng nghề.


Ðất để làm đồ sành phải là loại đặc biệt, có độ dẻo. Lấy được đất về, người thợ phải phơi cho đất bạc mầu trộn lẫn các lần đất, đập thành những viên nhỏ bằng ngón chân cái rồi mới cho "ngậm" nước, sau đó xéo tròn, nề đất, chọn sạn, phá, sa cho tới khi đất phải nhuyễn mịn như một miếng giò mới thôi. Một miếng đất trước khi chuốt phải nề, xéo tới chục lần mới thành khoanh cho lên bàn xoay nắn thành sản phẩm.
Dưới bàn tay của người thợ thủ công, đất sét được luyện thật nhuyễn, đảm bảo độ dẻo, mịn nhất định và được tạo hình trên bàn xoay bằng tay hoặc trên khuôn.

Tạo hình
Về mặt tạo hình, gốm Phù Lãng được sử dụng nhiều phương pháp khác nhau trong nghệ thuật tạo dáng, với những hình khối đa dạng. Nhưng nhìn chung có thể quy vào hai phương pháp cơ bản: tạo hình trên bàn xoay và in trên khuôn gỗ hoặc khuôn đất nung rồi dán ghép lại. Mỗi loại hình sản phẩm, mỗi chủng loại hàng đều có những kỹ thuật, kỹ xảo riêng, tất cả đều nhằm đạt được hiệu quả tối đa về hai phương diện kinh tế và thẩm mỹ.
Cũng như nghề gốm Bát Tràng (Gia Lâm), và Thổ Hà (Bắc Giang), phương pháp tạo hình sản phẩm (có tiết diện tròn) là chuốt. Tất cả các sản phẩm được đưa lên bàn xoay tay. Hoạt động xung quanh bàn xoay tay cần phải có 2 người, trong đó một người chuyên ngồi chuốt, một người vần bàn xoay. Người vần bàn xoay đồng thời làm nhiệm vụ lăn đất thành đòn để chuốt (còn gọi là xe đòn). Sản phẩm sau khi đã tạo hình xong, để cho se dần, đến khi sờ tay vào không thấy dính, lúc bấy giờ người thợ tiến hành chúng, đấm, thúc bên trong của sản phẩm cho thành hình đồ vật, rồi lại để cho ráo. Lúc này nếu thấy sản phẩm có vết rạn nứt thì được vá lại bằng đất mịn và nát.
Bước cuối cùng trong khâu hoàn thành sản phẩm là ve, nạo sản phẩm sau khi sản phẩm đã thành bạc hàng (chuyển màu trắng). Ve, nạo xong sản phẩm dược tráng một lớp men lên, tạo màu sắc.

Tráng men
Chất liệu làm men tráng gồm có: Tro cây rừng (loại cây mà khi đốt, tàn tro trắng như vôi, như tàn thuốc. Ngày nay nghệ nhân Phù Lãng thường dùng tứ thiết là lim, sến, táu, nghiến), hai là vôi sống (vôi tả), ba là sỏi ống nghiền nát, bốn là bùn phù sa trắng. Bốn chất liệu này, sau khi sơ chế trộn đều với nhau theo một tỷ lệ nhất định rồi để khô, đập nhỏ cho vào nước, gạn qua rây bột, từ đó chế thành một chất lỏng quánh, vàng như mật ong. Khi sản phẩm còn ẩm, người thợ dùng chổi lông quét men lên bên ngoài của sản phẩm một lớp mỏng thích hợp rồi đem phơi. Sau khi quét men và phơi khô, sản phẩm có màu trắng đục.

Nung
Sau công đoạn vào men và tạo mầu, phơi khô, sản phẩm được đưa vào lò nung ở nhiệt độ đến 1.000 độ C, để đảm bảo gốm sành nâu có lớp da ngoài đanh mặt, nhẵn bóng và chắc. Xếp sản phẩm trong lò nung phải tuân theo nguyên tắc tiết kiệm tối đa không gian trong lò. Chi phí cho mỗi mẻ đốt lò trung bình cũng phải 25 đến 30 triệu đồng, nếu không nắm vững kỹ thuật chọn đất, đốt lò... thì cả mẻ gốm phải bỏ đi. Một lò thường được một nghìn sản phẩm và phải đun liền trong ba ngày ba đêm. Vì vậy những sản phẩm đạt tiêu chuẩn phải có mầu da lươn vàng óng hay mầu cánh dán, khi gõ vào sản phẩm có tiếng vang. Mặc dù nằm tiếp giáp với vùng than (Quảng Ninh) nhưng nhưng ở Phù Lãng người ta vẫn sử dụng phương pháp truyền thống - dùng củi để nung, nhờ sự biến nhiệt khác nhau tạo ra những vết táp trên bề mặt gốm mà không phương pháp nào có thể thay thế nổi. Xương đất sét có màu hồng nhạt, khi nung ở nhiệt độ cao, xương gốm chuyển màu gan gà, với hai màu men chủ đạo là nâu vàng và nâu đen (thường gọi là men da lươn). Nếu vẻ đẹp của Bát Tràng là sự đa dạng về nước men, những nét vẽ tinh tế, thì hồn cốt của Phù Lãng được tạo nên từ sự dân dã, mộc mạc của nước men da lươn này.

Nguồn: 
www.langnghe.org.vn

Làng nghề đúc đồng Đại Bái

Đại Bái thuộc huyện Gia Bình, tỉnh Bắc Ninh là một trong số ít những làng nghề đúc đồng nổi tiếng ở Việt Nam. Theo tương truyền, năm xưa làng Đại Bái còn có tên là làng Văn Lang, nằm trên một dải đất cao bên bờ sông Bái Giang, chuyên sản xuất các dụng cụ thiết yếu trong gia đình bằng đồng như: ấm, mâm, chậu thau... Tuy nhiên, phải đến đầu thế kỷ XI, nghề đúc đồng ở nơi đây mới được phát triển mạnh nhờ công của "Tiền Tiên Sư" Nguyễn Công Truyền, người chuyên lo tổ chức sản xuất, tạo mẫu, phát triển thị trường.

Làng nghề đúc đồng Đại Bái

Ông Nguyễn Công Truyền sinh năm 989 tai làng Đại Bái, mất ngày 29/9 âm lịch (tức là năm 1060). Xuất thân trong một gia đình nho học, năm 995 lúc nên 6 tuổi ông theo cha mẹ vào Thanh Nghệ để sinh sống(Nay làng đó cũng gọi Là làng Đại Bái, làng Bưởi và cũng làm nghề Đúc Đồng), khi lớn lên ông vào quân ngũ. Năm 25 tuổi ông làm quan Đô uý của triều Lý, được phong là Điện tiền tướng quân. Đến tháng 3/1018 ông về Đại Bái thăm họ hàng, quê hương. Sau khi Cha của ông qua đời tại Thanh nghệ, ôngxin từ quan và đưa mẹ về quê cũ phụng dưỡng và từ đó ông bắt đầu tổ chức sản xuất lớn hơn. Ông cho đón lò rèn về tại làng để sửa chữa nông cụ sản xuất như búa, đe, lò bễ .v.v. 

Nhờ những công cụ nông nghiệp đã được cải tiến nên việc sản xuất được phát triển mạnh hơn. Đến thế kỷ thứ XV, XVI, làng có 5 ông tiến sỹ : Nguyễn Viết Lai, Nguyễn Xuân Nghĩa, Vũ Viết Thái, Phạm Ngọc Thanh, Nguyễn Công Tám. Sau khi được phong quan, về làng, các ông chú ý việc tổ chức và mở rộng sản xuất đăch biệt là việc phân công chuyên môn hoá ngành nghề, đã thành lập các phường sản xuất riêng từng loại mặt hàng như: Phường chuyên gò nồi đồng, phường làm mâm, phường làm ấm, phường làm chậu thau, phường làm thau lá, rút dây đồng làm hàng bạc và một phường hàng chợ chuyên mua bán để cung cấp nguyên vật liệu và tiêu thụ hàng hoá. Mỗi phường đều tập trung một xóm để tiện việc sản xuất và sinh hoạt hàng ngày. Nhờ có sự tổ chức hoàn chỉnh đã giúp cho Đại Bái nhanh chóng phát triển với ngành nghề Đúc đồng, gò đồng với sự nâng cao rõ rệt về kỹ thuật luyện đồng: Lấy đất xét bờ sông xây ò đúc, lấy bùn ao nhài với tro trấu làm nơi luyện đồng, đồng pha kẽm làm đồng thau và sáng chế ra thuốc hàn đồng...

Ngày nay, làng Đại Bái tiếp tục phát triển và gìn giữnghề truyền thống với những hợp tác xã, doanh nghiệp tư nhân lớn mạnh cùng sự cải tiến kỹ thuật, tự trang, tự chế ra máy móc như máy cán, máy dập, máy dánh bóng...tìm kiếm thị trường xuất khẩu.

Nguồn: www.langnghe.org.vn

Làng nghề giấy Đồng Cao

Đó là làng giấy Dương Ổ, xã Phong Khê (huyện Yên Phong). Mỗi năm ngôi làng này sản xuất ra 400.000 tấn giấy các loại, gấp bốn lần nhà máy giấy lớn nhất nước là Nhà máy giấy Bãi Bằng.


“Thành hoàng của làng không phải là ông tổ nghề giấy nhưng từ khi tôi sinh ra đã thấy cụ tôi làm nghề giấy rồi!” - bà Nguyễn Thị Sửng, 75 tuổi, ngụ tại thôn Dương Ổ, nói. Bây giờ gia đình cụ Sửng vẫn theo nghề làm giấy nhưng chỉ sản xuất loại giấy dó dùng để làm tranh Đông Hồ và hoành phi, câu đối... Hiện nay làng chỉ còn chừng 10 hộ làm giấy dó vì nhu cầu tiêu thụ loại này rất ít.

Truyền thống “nhất nghệ tinh”Theo ông Nguyễn Quốc Bảo, chủ doanh nghiệp sản xuất giấy Minh Hoàng, đáng lẽ nghề giấy làng Dương Ổ cũng “ngỏm” từ khi làng pháo Bình Đà (Hà Tây) ngừng sản xuất. Trước kia, làng Dương Ổ là nơi chuyên cung cấp loại giấy làm ngòi pháo cho làng Bình Đà. Từ khi có lệnh cấm đốt pháo của Chính phủ, làng Bình Đà chuyển sang nghề cung cấp thực phẩm thì làng Dương Ổ vẫn giữ nghề làm giấy. Để tồn tại, các hộ dân sản xuất giấy trong làng Dương Ổ họp lại và các cụ cao tuổi trong làng “huấn” rằng “nghề làm giấy bền đến muôn đời, khi nào người còn thì còn dùng đến giấy, làng ta phải giữ lấy nghề nhất nghệ tinh này nhưng phải hiện đại hóa nó đi”. Làng Dương Ổ bèn chuyển sang sản xuất giấy viết, giấy vệ sinh và các loại bao bì giấy. 

Ông Bảo nhớ lại khó khăn lớn nhất khi chuyển sang sản xuất mặt hàng mới là chuyện đi vay vốn, đầu tư máy móc. Với dân làng Dương Ổ, chuyện vay ngân hàng lúc ấy là xa xôi lắm vì họ đâu có gì để thế chấp, tín chấp. Nhưng tất cả mọi khó khăn đều đã vượt qua vì tình làng nghĩa xóm, hộ nào có điều kiện khá giả thì cho những hộ khó khăn hơn vay tiền mà không đòi hỏi thế chấp. Do vậy mà nhà ai cũng có nghề, có việc làm!Thật ra, không phải đến lúc làng Bình Đà tan rã nghề làm pháo thì dân Dương Ổ mới xoay nghề làm giấy viết, mà trước đó làng đã có một xí nghiệp giấy tư nhân đầu tiên của miền Bắc, đó là xí nghiệp của ông Nguyễn Văn Năng. Nhưng do thời bao cấp ngăn sông cấm chợ, xí nghiệp giấy của gia đình ông Nguyễn Văn Năng phải hoạt động “chui”. Khi cơ chế thị trường bung ra, xí nghiệp ông Năng hoạt động khá mạnh mẽ và thu hút đông đảo lao động trong và ngoài làng đến làm thuê. Từ xí nghiệp giấy của ông Năng, các hộ gia đình gửi con em vào làm việc và khi các cô cậu vững tay nghề thì trở về gia đình đầu tư máy móc, dây chuyền sản xuất nhỏ và thế là cả làng đều có... công nghệ làm giấy!Dẫn tôi đi thăm cơ sở sản xuất kiểu công nghệ... làng, ông Nguyễn Quốc Bảo chỉ tay vào chiếc lò hơi và dây chuyền sản xuất giấy vệ sinh cho biết nó là sự tổng hợp của công nghệ nước ngoài và... tự cải tiến, giá thành chỉ hơn 700 triệu đồng, bao gồm cả nồi hơi và dây chuyền cán giấy tự chế tạo bằng những chiếc bánh răng, quả lô... như máy sản xuất giấy của Đài Loan, nhưng tất cả phụ tùng đều do ông tự lùng mua tại các vựa sắt vụn và tự đặt các xưởng cơ khí chế tạo (một dây chuyền như thế của Đài Loan có giá trên 3 tỉ đồng). Dây chuyền công nghệ... làng như vậy nhưng cho sản phẩm giấy vệ sinh có chất lượng “long lanh” không kém gì ngoại nhập. Xí nghiệp giấy vệ sinh Minh Hoàng của gia đình ông Bảo hiện nay có 30 lao động với mức lương 1-1,2 triệu đồng/tháng. Ông Bảo cho biết ở Dương Ổ hiện nay kiểu dây chuyền công nghệ làng như vậy có đến hàng chục.

Địa chỉ : Thôn Đống Cao, xã Phong Khê, thành phố Bắc Ninh

Làng tranh Đông Hồ, huyện Thuận Thành, tỉnh Bắc Ninh

Làng tranh Đông Hồ là làng nghề nổi tiếng về tranh dân gian, thuộc xã Song Hồ, huyện Thuận Thành, tỉnh Bắc Ninh cách Hà Nội chừng trên 35 km. Làng Đông Hồ (đôi khi dân địa phương chỉ gọi là làng Hồ) nằm trên bờ nam sông Đuống, cạnh bến đò Hồ, nay là cầu Hồ.
Làng Đông Hồ xưa còn gọi là làng Mái. Các cụ làng Đông Hồ vẫn truyền lại mấy câu ca rằng:
Hỡi cô thắt lưng bao xanh
Có về làng Mái với anh thì về
Làng Mái có lịch có lề
Có sông tắm mát có nghề làm tranh.
Làng Đông Hồ nằm ngay sát bờ sông Đuống, ngày xưa chỉ cách sông một con đê, đó là ý trong câu "Có sông tắm mát có nghề làm tranh". Ngày nay, do sự bồi lấp của dòng sông nên từ đê ra đến mép nước giờ khá xa.
Tranh Đông Hồ, hay tên đầy đủ là tranh khắc gỗ dân gian Đông Hồ, là một dòng tranh dân gian Việt Nam với xuất xứ từ làng Đông Hồ (xã Song Hồ, huyện Thuận Thành, tỉnh Bắc Ninh). Trước kia tranh được bán ra chủ yếu phục vụ cho dịp Tết Nguyên Đán, người dân nông thôn mua tranh về dán trên tường, hết năm lại lột bỏ, dùng tranh mới. Thơ Tú Xương về tranh Đông Hồ ngày Tết có câu:
Đì đoẹt ngoài sân tràng pháo chuột
Loẹt lòe trên vách bức tranh gà
Ngoài các đặc điểm về đường nét và bố cục, nét dân gian của tranh Đông Hồ còn nằm ở màu sắc và chất liệu giấy in. Giấy in tranh Đông Hồ được gọi là giấy điệp: người ta nghiền nát vỏ con điệp, một loại sò vỏ mỏng ở biển, trộn với hồ (hồ được nấu từ bột gạo tẻ, hoặc gạo nếp, có khi nấu bằng bột sắn - hồ dùng để quét nền tranh thường được nấu loãng từ bột gạo tẻ hoặc bột sắn, hồ nấu từ bột nếp thường dùng để dán) rồi dùng chổi lá thông quét lên mặt giấy dó. Chổi lá thông tạo nên những ganh chạy theo đường quét và vỏ điệp tự nhiên cho màu trắng với ánh lấp lánh những mảnh điệp nhỏ dưới ánh sáng, có thể pha thêm màu khác vào hồ trong quá trình làm giấy điệp. Màu sắc sử dụng trong tranh là màu tự nhiên từ cây cỏ như đen (than xoan hay than lá tre), xanh (gỉ đồng, lá chàm), vàng (hoa hòe), đỏ (sỏi son, gỗ vang), v.v. Đây là những màu khá cơ bản, không pha trộn và vì số lượng màu tương ứng với số bản khắc gỗ, nên thường thường tranh Đông Hồ chỉ dùng tới 4 màu mà thôi.
Cái làm nên nét đặc sắc độc đáo của tranh Đông Hồ chính là chất liệu làm tranh, được chế biến thủ công từ các nguyên liệu có sẵn trong thiên nhiên: Giấy làm từ cây dó, màu đỏ từ gạch non, màu vàng từ hoa điệp vàng, màu đen từ lá tre đốt, màu trắng được nghiền từ vỏ sò, ốc… Trên cơ sở những màu sắc cơ bản ấy người dân đã tạo thêm nhiều màu sắc khác nhau từ việc trộn lẫn các màu. Để hoàn thành một sản phẩm, không kể khâu khắc tranh trên bản gỗ, có sẵn giấy và màu, người làm tranh phải rất công phu, cẩn thận trong từng giai đoạn: sơn hồ lên giấy, phơi giấy cho khô hồ, quết điệp rồi lại phơi giấy cho khô lớp điệp, khi in tranh phải in từng màu lần lượt, nếu có 5 màu thì 5 lần in, mỗi lần in là một lần phơi… Cứ thế, dưới ánh sáng mặt trời lấp lánh từng hình ảnh, đường nét của cảnh sắc thiên nhiên, nếp sinh hoạt của người dân, những hình ảnh của cuộc sống thường ngày ... như “bừng” sáng trên giấy dó. Mọi giai đoạn đều thật công phu nên đòi hỏi người làm tranh luôn cẩn trọng, cầu kì, chú ý đến từng chi tiết nhỏ để có được một bức tranh đẹp.
Trước kia tranh được bán ra chủ yếu phục vụ cho dịp Tết Nguyên Đán, người dân nông thôn mua tranh về dán trên tường, hết năm lại lột bỏ, dùng tranh mới. Tranh Đông Hồ xuất xứ từ làng Đông Hồ (xã Song Hồ, huyện Thuận Thành, tỉnh Bắc Ninh). Làng Mái là tên gọi dân gian xưa kia của làng tranh Đông Hồ bây giờ. Vào thế kỷ XVI tranh Đông Hồ xuất hiện nhưng không ai thống kê hết được có bao nhiêu mẫu tranh mà chỉ biết gồm có 5 loại là: Tranh thờ, Tranh lịch sử, Tranh chúc tụng, Tranh sinh hoạt và Truyện tranh. Từ cuối thế kỷ XIX đến 1944 là thời kì cực thịnh của làng tranh. Lúc ấy, trong làng có 17 dòng họ thì tất cả đều làm tranh. Đến hẹn lại lên, cứ khoảng tháng 7, tháng 8 hàng năm là cả làng đã tất bật để chuẩn bị cho mùa tranh Tết, khắp làng rực rỡ sắc màu của giấy điệp, không một mảnh đất trống nào không được người dân làng Hồ tận dụng để phơi giấy: từ sân nhà, sân đình, ven các ngõ xóm, đường làng, dọc theo triền đê cho đến các nóc nhà, nóc bếp….Không khí trong làng rộn rạo từ sáng đến tối suốt mấy tháng liền như thế.
Mỗi năm, chợ tranh chỉ nhộn nhịp và tấp nập nhất vào tháng Chạp, họp 5 phiên vào các ngày 6, 11,16, 21 và 26. Bà con, du khách thập phương đổ về mua tranh đông vui, tấp nập. Hàng nghìn, hàng triệu bức tranh các loại được mang ra xếp gọn lại bán cho những lái buôn, hoặc bán lẻ cho các gia đình mua về làm tranh treo tết để mang phú quý, vinh hoa cho nhà mình. Sau phiên chợ tranh cuối cùng (26/12 âm lịch) những gia đình nào còn lại tranh đều bọc kín đem cất đi chờ đến mùa tranh năm sau lại mang ra chợ tranh bán. Đến chợ tranh làng Hồ không chỉ có khách buôn và mua tranh, mà có cả những người hâm mộ nghệ thuật tranh dân gian thích thăm thú, xem tranh và đi trảy hội mùa xuân.
Tranh Đông Hồ có được sức sống lâu bền và có sức cuốn hút đặc biệt với nhiều thế hệ con người Việt Nam cũng như du khách nước ngoài cũng bởi những đề tài trên tranh phản ánh đậm chất cuộc sống mộc mạc, giản dị, gần gũi gắn liền với văn hoá người Việt. Nghệ nhân Nguyễn Đăng Chế đã giải thích về ý nghĩa của việc dùng màu sắc sao cho phù hợp với mỗi đề tài khác nhau: nền màu đỏ cho tranh đánh ghen để lột tả được cái nóng giận bực bội ngột ngạt của không khí lúc đó, nền màu vàng cho cảnh vui tươi tràn ngập sắc xuân trên các bức tranh ngày tết, nền màu hồng nhạt cho tranh làng quê yên bình …
Đôi khi những bức tranh Đông Hồ còn được những nghệ nhân trang trí kèm theo những từ chỉ dẫn hoặc những tứ thơ tình tứ, lãng mạn,
Cứ bóc tách từng lớp nang văn hoá hiện trên mỗi bức tranh Đông Hồ cũng đủ cho chúng ta thấy vốn liếng văn hoá Việt thuần khiết và trong sáng, đa dạng và vô cùng độc đáo.
Các nghệ nhân Đông Hồ đã chuyển hóa những lời hay - ý đẹp, những kinh nghiệm đúc rút trong cuộc sống từ ngàn đời để lại vào tranh dân gian với những cách thể hiện rất riêng:
Những ai đã yêu thích tranh Đông Hồ hẳn rất quen thuộc với các tranh gà: Gà mẹ con, gà đại cát, gà dạ xướng, kê cúc. Chẳng hạn bức "Gà thủ hùng".
Theo sử sách xưa kể lại, vào khoảng năm 1915 cụ Chánh Hoàn gả con gái cho một anh Phán, Cụ Đám Giác ( tên thật là Nguyễn Thể Thức (1882 - 1943) là một nghệ nhân sáng tác nổi tiếng của Đông Hồ. Ngoài tranh về cuộc sống ở nông thôn cụ còn vẽ nhiều tranh truyện tranh phong cảnh, tranh tố nữ...)đã mừng đám cưới bằng một mẫu tranh mới: một gia đình gà gồm gà trống, gà mái và đàn con. Bằng ngôn ngữ ước lệ, các con gà được cách điệu hóa, chúng sống động mà không cần giống thực. Gà mái có bố cục theo đường xoắn ốc - tạo nên sự nũng nịu. Gà trống được đặt trong một hình thang, đáy lớn nằm trên - tạo nên tư thế chủ gia đình, che chở cho gà mái và đàn con. Bức tranh gợi không khí hạnh phúc, đầm ấm trong một gia đình. Trên tranh có dòng chữ nôm "Lắm con nhiều cháu, giống cánh giống lông" một lời chúc thật sâu sắc! Bức tranh này được xây dựng từ câu phương ngôn: "Con nhà tông không giống lông cũng giống cánh".
Con trâu "đầu cơ nghiệp của nhà nông", cũng được các nghệ nhân Đông Hồ dành nhiều tâm huyết.Tranh cưỡi trâu thổi sáo có chữ: "Hà diệp cái thanh thanh" (Lọng lá sen xanh xanh). Một tàu lá sen dựng đứng như chiếc ô - ý tưởng thật thú vị. Con trâu nghển cổ thưởng thức tiếng sáo, tư thế, dáng vẻ của nó khiến ta cùng nghe thấy tiếng sáo réo rắt, thấy bầu trời trong xanh lồng lộng, thấy cuộc sống thanh bình...
Tranh cưỡi trâu thả diều có chữ "Vũ thu phong nhất tướng" (Một hình ảnh gió thu múa). Một cậu bé nằm ngửa trên lưng trâu thả diều... thật thú vị. Một câu phương ngôn về trẻ chăn trâu: " Đầu đội nón mé như lộng che - Tay cầm cành tre như roi ngựa". Thực tế khó có thể nằm trên lưng trâu mà dong các diều bằng nón mê như vậy? Thế mà ngắm tranh ta vẫn thấy khoái! Bức tranh thả diều còn có hai dị bản khác, một bức có chữ "Vũ thu phong nhất dực" (gió thu múa, một cánh), bức kia có chữ "Nhất tương phúc lộc điền" (một hạnh phúc của nhà nông) - cũng thú vị không kém.
Xuất phát từ câu phương ngôn: "Tre già măng mọc" nghệ nhân Nguyễn Thể Thức có đôi tranh, bức thứ nhất có tên: "Cử chỉ hữu cương thường", trên đó có câu thơ: "Tre già dẻo đã có thì - còn phần tráng trực để tùy người sau". Bức kia có tên: "Kim ngân hóa luật lệ" với câu thơ: "Lệ luật thì giáp là trên - Kim ngân hóa ắt vượt lên ai bì".
Trải qua nhiều thăng trầm, lệ mua tranh Đông Hồ treo ngày Tết đã mai một, làng tranh cũng thay đổi nhiều: Trong những năm kháng chiến chống pháp, khi cả nước điêu linh, Đông Hồ cũng rơi vào cảnh đạn bom lay lắt, làng tranh bị giặc đốt phá tan hoang, người dân trong làng lo chạy loạn khắp nơi, các bản khắc tranh cũng bị thiêu cháy rụi. Nghề tranh từ đó cũng bị gián đoạn. Hoà bình lập lại (1954) làng tranh được khôi phục. Nhiều tổ hợp tác sản xuất tranh Đông Hồ được thành lập, đây cũng là thời điểm tranh Đông Hồ được xuất khẩu sang các nước XHCN đạt kết quả cao. Nhưng từ năm 1985- 1990, do tác động của nền kinh tế thị trường, nhu cầu thẩm mỹ của người dân thay đổi, việc xuất khẩu tranh gặp nhiều khó khăn. Người dân làng tranh chuyển dần sang làm hàng mã. Nghề làm tranh tồn tại yếu ớt, chỉ còn lẻ tẻ một vài gia đình bám trụ với nghề tranh như: gia đình ông Nguyễn Đăng Chế, gia đình ông Nguyễn Hữu Sam… Đến nay, nhờ công gìn giữ của các nghệ nhân ấy mà tranh dân gian này được khôi phục lại. Cùng với nhiều sáng tạo mới mẻ, tranh dân gian Đông Hồ lại chiếm được cảm tình của nhiều du khách trong và ngoài nước mỗi khi đặt chân đến mảnh đất văn vật hữu tình này.