Cung văn hóa thành phố Bắc Ninh

Thành phố Bắc Ninh là một đơn vị hành chính cấp thành phố trực thuộc tỉnh và là tỉnh lỵ của tỉnh Bắc Ninh. Thành phố Bắc Ninh là 1 trong 10 đô thị sạch năm 2009.

Chùa Dâu (xưa và nay), huyện Thuận Thành, tỉnh Bắc Ninh

Chùa Dâu, còn có tên là Diên Ứng (延應寺), Pháp Vân (法雲寺), hay Cổ Châu, là một ngôi chùa nằm ở xã Thanh Khương, huyện Thuận Thành, tỉnh Bắc Ninh, cách Hà Nội khoảng 30 km. Đây là trung tâm cổ xưa nhất của Phật giáo Việt Nam.

Wednesday, March 12, 2014

Festival Bắc Ninh năm 2014 - Các hoạt động chính diễn ra từ ngày 13-17/3/2014.

Nhằm tôn vinh nền văn hiến Bắc Ninh - Kinh Bắc, khơi dậy niềm tự hào dân tộc về một vùng đất địa linh nhân kiệt, giàu truyền thống văn hóa, hiếu học và khoa bảng; tạo ra một sự kiện văn hóa, thể thao và du lịch với quy mô lớn, có tầm ảnh hưởng trong nước và quốc tế được tổ chức trên quê hương Kinh Bắc - Bắc Ninh, ngày 29 tháng 8 năm 2013 Ủy ban nhân tỉnh đã ban hành Quyết định số 320/QĐ-UBND về việc phê duyệt Kế hoạch tổ chức Festival, Đại hội Thể dục thể thao tỉnh Bắc Ninh lần thứ VII, năm 2014 với chủ đề "Hào khí Bắc Ninh - Kinh Bắc". 

Chương trình Festival Bắc Ninh - 2014 được diễn ra từ ngày 13/3/2014 đến hết ngày 17/3/2014 (tức từ ngày 13 đến ngày 17 tháng 02 năm Giáp Ngọ), gồm 06 hoạt động chính và 14 hoạt động hưởng ứng, tổ chức trên địa bàn toàn tỉnh.



Nguồn: vanhoattdlbacninh.gov.vn

Ngày 13-3, khai mạc festival Bắc Ninh 2014

Festival Bắc Ninh 2014 với chủ đề "Hào khí Bắc Ninh - Kinh Bắc" sẽ chính thức khai mạc vào ngày 13-3 

Đây là hoạt động văn hóa, thể dục, thể thao quy mô do UBND tỉnh Bắc Ninh tổ chức 4 năm một lần. Festival Bắc Ninh 2014 sẽ diễn ra tại 8 huyện, thị xã, thành phố trên địa bàn tỉnh với nhiều sự kiện đặc sắc như: lễ dâng hương tại Đền Đô, phường Đình Bảng, thị xã Từ Sơn; hội thi hát dân ca Quan họ Bắc Ninh, hội báo xuân và hội thi sinh vật cảnh xuân 2014; hội trại thanh niên với chủ đề “Vang mãi truyền thống hào hùng”; khai mạc Festival Bắc Ninh năm 2014 và đại hội thể dục thể thao tỉnh lần thứ VII; bế mạc Festival Bắc Ninh và chương trình giao lưu biểu diễn nghệ thuật diễn xướng dân gian tiêu biểu khu vực miền Bắc.
Ngày 13-3, khai mạc festival Bắc Ninh 2014

Bên cạnh các hoạt động chính, một chuỗi các hoạt động văn hóa, thể thao, du lịch như: trưng bày, triển lãm, hội chợ, tổ chức các tour du lịch miễn phí, quảng bá du lịch... sẽ được diễn ra tại khu công viên Nguyên phi Ỷ Lan, trục đường Lý Thái Tổ, khu vực Trung tâm Văn hóa Kinh Bắc và các điểm di tích lịch sử văn hóa, làng nghề tiêu biểu trên địa bàn tỉnh Bắc Ninh.
Nguồn: UBND tỉnh Bắc Ninh

Festival Bắc Ninh 2014 hứa hẹn nhiều chương trình đặc sắc

(Ngày: 13-03-2014)
(BNTV) Lễ khai mạc Festival Bắc Ninh 2014 dự kiến diễn ra vào tối 15/3/2014. Đây là một sự kiện văn hóa, thể thao, du lịch với quy mô lớn tổ chức định kỳ 4 năm lần một lần nhằm bảo tồn và phát huy gia trị văn hóa thể thao truyền thống đặc sắc của tỉnh. Qua đây góp phần quảng bá tiềm năng kinh tế, văn hóa và con người Bắc Ninh đến du khách trong và ngoài nước. Để Festival Bắc Ninh năm 2014 diễn ra thành công, sở Văn hóa TT&DL đã tổ chức họp Hội đồng nghệ thuật mở rộng lấy ý kiến vào việc hoàn thiện Đề cương kịch bản chương trình Lễ khai mạc Festival Bắc Ninh năm 2014; Kịch bản chương trình giao lưu Nghệ thuật “Bắc Ninh – Di sản văn hóa phi vật thể hội tụ và lan tỏa”
Festival Bắc Ninh 2014 hứa hẹn nhiều chương trình đặc sắc

Dự kiến Chương trình Lễ khai mạc Festival Bắc Ninh 2014 gồm 3 phần: Diễu hành biểu dương lực lượng; Nghi thức lễ khai mạc và màn sử thi nghệ thuật thể thao. Màn sử thi nghệ thuật, thể thao được chia làm 3 chương, 9 cảnh diễn chính truyền tải nội dung và hình ảnh đầy hào hùng và khí phách của quê hương Bắc Ninh – Kinh Bắc. Điểm nhấn của Chương trình khai mạc Festival Bắc Ninh 2014 là nghi lễ đón nhận 2 Bằng công nhận di tích cấp Quốc gia đặc biệt chùa Dâu và chùa Bút Tháp. Chương trình sẽ được truyền hình trực tiếp trên sóng của Đài PTTH Bắc Ninh và Đài Truyền hình Việt Nam vào ngày 15/3/2014
          Chương trình giao lưu Nghệ thuật “Bắc Ninh – Di sản văn hóa phi vật thể hội tụ và lan tỏa” dự kiến diễn ra vào tối ngày 16/3/2014 với thời lượng 120, truyền hình trực tiếp trên sóng của Đài PTTH Bắc Ninh. Chương trình là sự kiện nghệ thuật đặc sắc hội tụ các di sản đặc trưng của 3 miền đất nước và tôn vinh Di sản văn hóa phi vật thể Dân ca Quan họ Bắc Ninh trong sự hòa quyện và lan tỏa cùng các di sản khác như Nhã nhạc Cung đình Huế; Ví Dặm xứ Nghệ; Đờn ca tài tử Nam Bộ.
Tại buổi họp, cơ bản các ý kiến tập trung nghiên cứu làm rõ ý nghĩa tên chủ đề Festival “Hào khí Bắc Ninh – Kinh Bắc”, đề xuất các ý tưởng trong xây dựng chủ đề Festival để phù hợp với truyền thống văn hiến của vùng đất Bắc Ninh Kinh Bắc; Bố cục chương trình cần gọn và cô đọng, cân đối thời lượng giữa các phần nghệ thuật và thể thao; quan tâm đến nội dung, hình ảnh trong các Clip trình chiếu trên màn hình Led.
Trên cơ sở ý kiến của các đại biểu, Ban Tổ chức Festival Bắc Ninh 2014 yêu cầu đơn vị Tư vấn thực hiện Festival Bắc Ninh năm 2014 nghiên cứu,chỉnh sữa tên chủ đề Festival năm 2014; bố cục chương trình, lời bình ngắn gọn cô đọng; xúc tích; video clip làm nổi bật nét văn hóa đặc trưng của quê hương Bắc Ninh; sử dụng chất liệu dân ca Quan họ là chủ đạo trong chương trình.

L.Anh – T.Kiên
Nguồn: bacninhtv.vn

Trên 100.000 người đến Festival Bắc Ninh 2014

Với chủ đề "Hào khí Bắc Ninh-Kinh Bắc,” Festival Bắc Ninh năm 2014 được tổ chức tại 8 huyện, thị xã, thành phố trên địa bàn tỉnh.

Trên 100.000 người đến Festival Bắc Ninh 2014 [www.kenh99.vn]

Hát quan họ trên thuyền

Chủ tịch UBND tỉnh Bắc Ninh Nguyễn Nhân Chiến cho biết: Festival Bắc Ninh 2014 và Đại hội thể dục thể thao tỉnh Bắc Ninh lần thứ VII-2014 (Festival Bắc Ninh 2014) sẽ diễn ra trong năm ngày từ 13-17/3, dự kiến sẽ thu hút trên 100.000 người tham gia.

Biểu trưng của Festival Bắc Ninh năm 2014 là bức cuốn thư trang trí đôi Rồng, nền hoa văn thời Lý, in bài thơ "Nam Quốc Sơn Hà” viết bằng tiếng Việt. Bên cạnh đó là nhiều sự kiện hoạt động đặc sắc như: Lễ dâng hương tại Đền Đô, phường Đình Bảng, thị xã Từ Sơn; hội thi hát Dân ca Quan họ Bắc Ninh, hội báo Xuân và hội thi Sinh vật cảnh xuân 2014; hội trại thanh niên với chủ đề "Vang mãi truyền thống hào hùng”;…

Bảo Linh

Nhiều hoạt động đặc sắc tại Festival Bắc Ninh 2014

(TITC) - Festival Bắc Ninh 2014 với chủ đề “Hào khí Bắc Ninh - Kinh Bắc” sẽ được tổ chức tại thành phố Bắc Ninh, thị xã Từ Sơn và các huyện: Gia Bình, Quế Võ, Thuận Thành, Tiên Du, Yên Phong trong 5 ngày từ 13 - 17/3/2014. Biểu trưng của Festival Bắc Ninh 2014 là Bức Cuốn thư trang trí đôi rồng, nền hoa văn thời Lý, in bài thơ “Nam Quốc Sơn Hà” viết bằng tiếng Việt.

Ngoài chương trình khai mạc và bế mạc, Festival Bắc Ninh 2014 sẽ có các hoạt động chính như: Lễ dâng hương; trưng bày, giới thiệu ấn phẩm báo chí Bắc Ninh và “Hội thi Sinh vật cảnh xuân 2014”… cùng nhiều hoạt động văn hóa, thể thao, du lịch hấp dẫn.
Dự kiến, Festival Bắc Ninh 2014 sẽ thu hút trên 100.000 người tham gia.
Lịch các hoạt động tại Festival Bắc Ninh 2014


Thời gian
Nội dung hoạt động
Địa điểm
Đơn vị thực hiện
Các hoạt động chính
8 - 17/3
Hội báo xuân 2014,
Hội thi sinh vật cảnh
Khu vực Trung tâm Văn hóa Kinh Bắc (TP. Bắc Ninh)
- Hội Nhà báo tỉnh;
- Hội Sinh vật cảnh tỉnh.
19h ngày 12/3
Chung kết thi “Người đẹp Kinh Bắc”
Hội trường lớn Trung tâm Văn hóa Kinh Bắc (TP. Bắc Ninh)
Tỉnh Đoàn Bắc Ninh
14 - 15/3
Hội thi hát Dân ca Quan họ Bắc Ninh
Hội trường lớn Trung tâm Văn hóa Kinh Bắc (TP. Bắc Ninh)
Sở Văn hóa, Thể thao và Du lịch Bắc Ninh
14 - 15/3
Hội trại thanh niên
Tại Đài tưởng niệm các anh hùng liệt sĩ và Nhà Thiếu nhi tỉnh (TP. Bắc Ninh)
Tỉnh Đoàn Bắc Ninh
8h ngày 15/3
Lễ dâng hương
Đền Đô, phường Đình Bảng (Thị xã Từ Sơn)
Sở VHTTDL Bắc Ninh
20h05 - 21h35 ngày 15/3
Chương trình khai mạc Festival Bắc Ninh năm 2014
Quảng trường Trung tâm văn hóa Kinh Bắc (TP. Bắc Ninh)
Ban tổ chức Festival và Công ty Sơn Lâm Hà Nội

Các hoạt động hưởng ứng
21 - 23/2
Giải vật tự do, vật dân tộc Đại hội Thể dục-Thể thao tỉnh lần thứ 7
Trung tâm Văn hóa –Thể thao huyện Lương Tài
Sở VHTTDL Bắc Ninh
28/2 - 2/3
Giải Việt dã, Điền kinh Đại hội Thể dục-Thể thao tỉnh lần thứ 7
Trung tâm Văn hóa Kinh Bắc, Sân vận động Suối Hoa (TP. Bắc Ninh)
Sở VHTTDL Bắc Ninh
6 - 20/3
Triển lãm ảnh nghệ thuật “Thời trang Kinh Bắc”
Bảo tàng tỉnh (TP. Bắc Ninh)
Nghệ sĩ nhiếp ảnh Đỗ Lan Hương
8 - 9/3
Hội thi bơi chải trên sông Cầu
Khu vực sông Cầu (xã Tam Giang, huyện Yên Phong)
-UBND huyện Yên Phong
- Sở VHTTDL Bắc Ninh
13 - 17/3
Trưng bày đá quý, đá cảnh và gỗ lũa
Trung tâm Du lịch văn hóa thể thao Phú Sơn (TP. Bắc Ninh)
Hiệp hội doanh nghiệp nhỏ và vừa tỉnh Bắc Ninh
13 - 17/3
Hội chợ Thương mại - Du lịch
Đường Hàn Thuyên và Nhà thi đấu đa năng tỉnh Bắc Ninh (TP. Bắc Ninh)
Sở Công thương tỉnh Bắc Ninh
14 - 16/3
Giao lưu, hát quan họ trên thuyền; trò chơi dân gian truyền thống (cây đu, đập niêu, chạy ró, chọi gà, thi kéo dây lấy lửa…)
Trung tâm Văn hóa Kinh Bắc, khu vực tượng đài Lý Thái Tổ, hồ công viên Nguyên Phi Ỷ Lan(TP. Bắc Ninh)
Sở VHTTDL Bắc Ninh
14 - 17/3
Tổ chức tour du lịch miễn phí bằng xe buýt đến các điểm di tích lịch sử văn hóa, di tích cách mạng
Các huyện, thị xã, thành phố
Hiệp hội du lịch tỉnh Bắc Ninh
14 - 20/3
Trưng bày, giới thiệu sách về “Văn hiến Kinh Bắc-Truyền thống, hiện tại và tương lai
Thư viện tỉnh Bắc Ninh (TP. Bắc Ninh)
Sở VHTTDL Bắc Ninh
14 - 20/3
Triển lãm trưng bày giới thiệu “Di sản văn hóa thời Lý-Trần và cổ vật tiêu biểu tỉnh Bắc Ninh”.
Bảo tàng tỉnh Bắc Ninh (TP. Bắc Ninh)
Sở VHTTDL Bắc Ninh
15 - 17/3
Trưng bày, triển lãm nghề làm tranh dân gian Đông Hồ, gốm Phù Lãng, gốm Luy Lâu
Thư viện tỉnh Bắc Ninh (TP. Bắc Ninh)
Hội Văn học-Nghệ thuật Bắc Ninh
16 - 17/3
Giao lưu tổ tôm điếm
Hội thi thả chim Bồ câu bay
Trung tâm Văn hóa Kinh Bắc và khu Công viên Nguyên Phi Ỷ Lan (TP. Bắc Ninh)
- Ban đại diện Hội Người cao tuổi tỉnh
- Hội Sinh vật cảnh tỉnh
16 - 17/3
Hội thi thả diều
Biểu diễn rối nước
Khu vực tượng đài Lý Thái Tổ, công viên Nguyên Phi Ỷ Lan (TP. Bắc Ninh)
- Hiệp hội Doanh nghiệp nhỏ và vừa tỉnh Bắc Ninh
- Sở VHTTDL Bắc Ninh
Ngày 17/3
Hội thi biểu diễn thể dục dưỡng sinh
Trung tâm văn hóa Kinh Bắc (TP. Bắc Ninh)
Ban đại diện Hội Người cao tuổi
Phạm Phương (tổng hợp)

Festival Bắc Ninh năm 2014: Sẽ hấp dẫn và thú vị

Theo Tờ trình về Kế hoạch tổ chức Festival và Đại hội Thể dục Thể thao tỉnh Bắc Ninh lần thứ VII - năm 2014 của Sở Văn hóa, Thể thao & Du lịch, Festival Bắc Ninh năm 2014 sẽ được tổ chức trong 5 ngày từ ngày 13/3 - 17/3/2014.


Festival Bắc Ninh năm 2014: Sẽ hấp dẫn và thú vị

Theo Tờ trình về Kế hoạch tổ chức Festival và Đại hội Thể dục Thể thao tỉnh Bắc Ninh lần thứ VII - năm 2014 của Sở Văn hóa, Thể thao & Du lịch, Festival Bắc Ninh năm 2014 sẽ được tổ chức trong 5 ngày từ ngày 13/3 - 17/3/2014.

Với chủ đề “Hào khí Bắc Ninh - Kinh Bắc”, Festival Bắc Ninh năm 2014 sẽ được tổ chức tại Thành phố Bắc Ninh và các huyện: Gia Bình, Quế Võ, Thuận Thành, Tiên Du, Yên Phong; thị xã Từ Sơn. Biểu trưng của năm 2014 là Bức Cuốn thư trang trí đôi Rồng, nền hoa văn thời Lý, in bài thơ “Nam Quốc Sơn Hà” viết bằng Tiếng Việt.
Festival Bắc Ninh 2014 bao gồm các hoạt động chính: Lễ dâng hương tại Đền Đô, phường Đình Bảng, thị xã Từ Sơn; Trưng bày, giới thiệu ấn phẩm Báo chí Bắc Ninh và “Hội thi Sinh vật cảnh xuân 2014”; Hội Trại thanh niên, chủ đề “Vang mãi truyền thống hào hùng”; Khai mạc Festival Bắc Ninh năm 2014 và Đại hội TDTT tỉnh lần thứ VII; Bế mạc Festival Bắc Ninh năm 2014 và Chương trình giao lưu biểu diễn nghệ thuật diễn xướng dân gian tiêu biểu khu vực miền Bắc.
Ngoài các hoạt động chính, một chuỗi các hoạt động văn hóa, thể thao, du lịch: Trưng bày, Triển lãm, Hội chợ, tổ chức các Tour du lịch miễn phí, quảng bá du lịch... sẽ được diễn ra tại khu Công viên Nguyên Phi Ỷ Lan, trục đường Lý Thái Tổ, khu vực Trung tâm Văn hóa Kinh Bắc và các điểm di tích lịch sử văn hóa, làng nghề tiêu biểu trên địa bàn tỉnh../

Festival Bắc Ninh 2014: Hội thi hát Dân ca Quan họ Bắc Ninh Xuân Giáp Ngọ – 2014 diễn ra từ ngày 13-15/3/2014

Hội thi hát Dân ca Quan họ Bắc Ninh Xuân Giáp Ngọ 2014 là một trong những hoạt động chính nằm trong khuôn khổ Festival và Đại hội TDTT tỉnh Bắc Ninh lần thứ VII-2014. Vòng Chung khảo diễn ra từ ngày 13-3 đến ngày 15-3-2014.
Hội thi hát Dân ca Quan họ Bắc Ninh Xuân Giáp Ngọ 2014 là một trong những hoạt động chính nằm trong khuôn khổ Festival và Đại hội TDTT tỉnh Bắc Ninh lần thứ VII-2014.

Festival Bắc Ninh 2014: Hội thi hát Dân ca Quan họ Bắc Ninh Xuân Giáp Ngọ – 2014 diễn ra từ ngày 13-15/3/2014
Theo kế hoạch, hội thi gồm hai phần: Thi hát đối đáp Quan họ (50 bài và 150 bài); thi ca nhạc Quan họ. Trong phần thi hát đối đáp sẽ khuyến khích sự tham gia của các liền anh, liền chị từng đoạt giải Nhất tại các hội thi trước. Phần thi ca nhạc Quan họ yêu cầu các tiết mục phải được dàn dựng mới, thể hiện qua các làn điệu Dân ca Quan họ Bắc Ninh, các bài Quan họ đặt lời mới và các ca khúc mang âm hưởng của Dân ca Quan họ Bắc Ninh. Những người tham gia phải đăng ký dự thi trước ngày 25-12-2013. Vòng Chung khảo diễn ra từ ngày 13-3 đến ngày 15-3-2014.
Hội thi là dịp để các nghệ nhân Dân ca Quan họ Bắc Ninh, các liền anh, liền chị Quan họ, các nghệ sỹ không chuyên gặp gỡ, giao lưu, trao đổi, học hỏi kinh nghiệm lẫn nhau trong việc gìn giữ lề lối và những giá trị tinh hoa trong sinh hoạt văn hóa Quan họ; phát hiện những hạt nhân nòng cốt trong phong trào văn hóa văn nghệ cơ sở; tôn vinh những tập thể, cá nhân có nhiều đóng góp trong việc gìn giữ, bảo tồn và phát huy giá trị của Di sản văn hóa phi vật thể đại diện của nhân loại - Dân ca Quan họ Bắc Ninh.

Tin, ảnh: T.C (baobacninh.com.vn))

Friday, February 14, 2014

Phong tục văn hóa dân tộc Việt Nam

Xin chữ và cho chữ đầu năm là phong tục văn hóa tốt đẹp thể hiện tinh thần trọng đạo học của dân tộc. Mặc dù ngày nay, tục xin và cho chữ đã có nhiều đổi thay song đó vẫn là một nét đẹp văn hóa cần được gìn giữ.
Dân tộc Việt Nam là một dân tộc trọng đạo học. Chính vì trọng chữ, trọng đạo nên ở Văn Miếu Quốc Tử Giám cũng như nhiều Văn Miếu hàng tỉnh, hàng huyện khác mới thờ Khổng Tử và các học trò của ông. Đó chính là người Việt thờ đạo học. Những ông đồ ngày xưa với trí tuệ và cốt cách mẫu mực của người học chữ thánh hiền luôn có ảnh hưởng tinh thần rất lớn trong cộng đồng. Xưa kia, nếu ở một xóm làng nào đó có một thầy đồ thì bà con nơi ấy cảm thấy chắc dạ, vững tâm hơn vì khi có việc là có thể chạy ngay đến hỏi han, lĩnh giáo lại có thể gửi gắm con cái theo thầy học chữ, học đạo làm người. Chẳng thế mà tinh thần yêu chữ, trọng thầy đã len sâu vào những bài hát ru dân gian của bà, của mẹ ngày xưa “Chẳng ham ruộng cả ao điền/ Chỉ ham cái bút, cái nghiên anh đồ” (ca dao).
 
Có rất nhiều “ông đồ trẻ” viết chữ trong dịp đầu xuân.
 
Đã nhiều năm nay, cứ mỗi độ Tết đến Xuân về lại thấy xuất hiện những ông đồ ngồi viết và cho chữ ở đình, đền, chùa hoặc trong các lễ hội truyền thống của làng, của tổng. Người đi xin chữ ngày càng đông. Ai tâm đắc với chữ nào thì xin chữ đó, cũng có khi người ta băn khoăn chưa biết xin chữ nào cho hợp thì nhờ người viết tư vấn, có người thì xin viết tên của mình, cũng có người chỉ xin chữ về chỉ để ngắm nét chữ mà không quan tâm đến nghĩa.
Bạn trẻ thường thích viết chữ thư pháp Việt với phong cách lãng mạn, bay bổng và ưa bóng bẩy, hoa lá nên thường chọn những “ông đồ trẻ” xuất thân từ các trường Mỹ thuật. Với người hiểu biết chữ Hán thường tìm đến những ông đồ già vì chữ của họ rắn rỏi, đầy đặn, uyên thâm. Hơn nữa, người dân quan niệm xin chữ của người già lộc nhiều hơn.
Thầy đồ viết chữ bây giờ cũng rất nhiều lứa tuổi, có đủ đồ già, đồ trẻ rồi cả ông đồ, bà đồ mặc áo the, khăn xếp khom lưng phóng bút. Cũng mực tàu, giấy đỏ nhưng mỗi ông đồ có lối viết riêng, mang vẻ đẹp riêng. Người thì viết thư pháp Việt, người viết chữ Hán.
Trong dịp Tết Giáp Ngọ, chúng tôi về chùa Dâu (Thuận Thành) và gặp anh Nguyễn Thanh Toàn, 41 tuổi (Tam Á, Gia Đông, Thuận Thành) - một người viết chữ Hán đã gần 10 năm. Anh Toàn tâm sự: Ở làng tôi, người dân vẫn giữ nét đẹp xin chữ đầu năm nên cứ đến ngày mồng 7 tháng Giêng là ngày hội đền thờ Sĩ Nhiếp - Nam giao học tổ, người dân trong làng đi xin chữ đông lắm. Ông nội tôi là nhà nho nên tôi thích học chữ Hán. Tôi từng ra viết chữ ở Văn Miếu Quốc Tử Giám nhưng chỉ là dịp trong Tết còn sau Tết thường về các di tích lịch sử văn hóa trong khu vực huyện Thuận Thành.
Những chữ được người ta xin chủ yếu vẫn là: Tâm, Tài, Trí, Đức, Phúc, Nhẫn, Nhân, Tín, Hiếu, Nghĩa hoặc Thành Đạt, Đăng Khoa…
Trong lúc trò chuyện với anh Toàn, có một du khách đi lễ chùa và đến xin chữ “Ngộ” theo tiếng Hán với ý nghĩa tỉnh ra, hiểu rõ hơn, mở mang trí khôn. Du khách này bảo, không phải xin cho bản thân mà để tặng con trai, mong cháu ngày một lớn khôn hơn.
Ở bậc học phổ thông, hẳn không ai là không biết đến truyện ngắn “Chữ người tử tù” của cố nhà văn Nguyễn Tuân. Nhà văn đã xây dựng hình ảnh người tử tù Huấn Cao mang vẻ đẹp lấp lánh với tài năng và nhân cách rạng ngời. Đó là một bậc trượng phu biết quý trọng cái tâm, cái tài và cái đẹp nhưng suốt đời chỉ cho chữ đúng ba người bạn thân. Điều đó đủ thấy chữ nghĩa cao quý đến thế nào.
Một lần, tôi may mắn được nghe TSKH Đoàn Hương giảng rất kỹ về tục xin chữ và cho chữ đầu năm của dân tộc Việt, rằng: Đối với người chơi chữ, treo chữ thì phải thờ chữ. Trong đời đừng có xin chữ lung tung. Ngày xưa, các cụ muốn xin chữ phải nghĩ cả năm và khi xin được chữ là về treo trên bàn thờ tổ tiên rồi mới mang treo trong nhà và không phải một năm, hai năm mà có khi cả đời tu luyện một chữ đó.
Người xưa cũng nói, nếu người viết mà không có tâm thì không thể viết được chữ Tâm, người viết mà không nhẫn thì không thể viết được chữ Nhẫn. Cho nên, cả người cho chữ lẫn người xin chữ đều cần có một cái tâm trong sáng và phải biết tu luyện theo chữ.
Ngày nay, cách thức xin chữ và cho chữ đã thay đổi so với ngày xưa. Người xem chữ bây giờ không phải biện lễ đến Thầy, nhưng đâu đó, chúng ta bắt gặp cảnh tượng người viết và người xin chữ ngã giá, mặc cả từng đồng. Một vài biến tướng trong việc kinhh doanh chữ và việc người chơi chữ, xin chữ theo trào lưu mà ít quan tâm đến ý nghĩa đã vô tình làm phai lạt một phong tục đẹp của dân tộc.
Dẫu có chút đổi thay song chúng ta vẫn thấy trân trọng khi người dân đang dần quay trở lại với nét đẹp văn hóa truyền thống mỗi dịp Tết đến Xuân về. Thật đáng mừng khi ý thơ của Vũ Đình Liên “Những người muôn năm cũ/ Hồn ở đâu bây giờ? có thể trả lời rằng “Hồn muôn năm cũ bây giờ vẫn còn đây…!”.
Bài, ảnh: Thuận Cẩm
Nguồn: Bacninh.com.vn

Làng nghề dệt Hồi Quan

Từ Hà Nội, qua cầu Chương Dương qua Quốc Lộ 1 A, 1 B khoảng 20 km rẽ trái theo con đường đất khoảng chừng hơn 1km, chúng ta tới với làng dệt Hồi Quan, xã Tương Giang (Từ Sơn). Đất Hồi quan tự hào có dòng sông Tiêu Tương thơ mộng chảy qua một thời, tuy nhiên ngày nay dòng sông xưa đã thành ruộng, thành đường của xã Tương Giang, người dân vẫn nghe văng vẳng tiếng sáo Trương Chi trong hoài niệm gợi lại mối tình giữa chàng với nàng Mỵ Nương qua câu ai oán.

" Nợ tình chưa trả cho ai
Khối tình mang xuống tuyền đài chưa tan"

Ẩn sau luỹ tre làng là một báu vật truyền thống đến nay vẫn còn được gìn giữ và phát triển, đó chính là nghề dệt Hồi Quan.

Làng nghề dệt Hồi Quan

Đến với Hồi Quan, bước tới cổng làng đã tạo cho du khách sự thoải mái của làng xã Việt Nam. Từ dây, con đường lớn lát gạch chỉ đã mòn đi theo thời gian, nét độc đáo của các làng cổ Bắc Bộ còn lại, đi sâu vào từng xóm ngõ chúng ta nghe rộn rã tiếng thoi đưa của các khung cửi vang vang từ những nếp nhà cổ kính, những mái ngói rêu phong làm ta lắng đọng tâm hồn.

Làng Dệt Hồi Quan hiện nay có khoảng 898 hộ (3.650 khẩu) thì có tới 90% làm nghề dệt, trong đó chiếm khoảng 10 % là các hộ sản xuất lớn.
Theo các cụ cao niên trong làng kể lại, nghề dệt có từ bao giờ và do ai truyền lại đến nay vẫn là một câu hỏi, chỉ biết rằng, từ lâu lắm rồi người làng Hồi Quan rất thạo nghề canh cửu. Trước cách mạng tháng 8, hầu như nhà nào cũng có một khung cửu, nhà nhiều có tới 5-6 khung và phải thuê thợ đến làm. Sản phẩm chính của làng nghề này là vải khổ hẹp (40cm), vải màn, đũi, khăn mặt...Với nghề dệt, làng xóm quanh năm nhộn nhịp, rộn tiếng thoi đưa, mọi người sống chan hoà vì nhau hơn. Từ sáng đến tối nhân lực được huy động tối đa cho sản xuất, mỗi người một việc, năng động, nhiệt tình, khéo léo và cần cù, vợ ngồi dệt vải hay ra chợ bán, chồng thì mắc, kẹo, đậu; người già, trẻ nhỏ thì quay ống, đến khi màn đêm buông xuống cả nhà mới ngưng tay chính, trả thế mà có câu ca:
" Hồi Quan là đất cửi canh
Đến xâm xẩm tối sắp sanh chơi bời"
Sự tảo tần sớm hôm của người Hồi Quan đã giữ được nghề truyền thống, tạo ra thu nhập đáng kể cho xã hội, kinh tế gía đình ngày càng nâng lên.

Đến với Hồi Quan, du khách đến với làng văn hoá mà từ đời vua Tự Đức (1872) đã ban biểu " Mỹ tục khả phong" (Làng có tục đẹp đáng biểu dương) đến với tiếng thoi đưa rộn rã, chứng kiến sự cần cù sớm hôm của người dân nơi đây nhằm tạo ra những sản phẩm có nhất lượng cao nhất phục vụ người tiêu dùng gần xa.

Nghề đan mây tre ở Du Tràng

Không quá náo nhiệt, sầm uất như các nghề thủ công khác, sự lặng lẽ và bền bỉ đã giữ cho Du Tràng (Giang Sơn, Gia Bình) một nghề với những sản phẩm độc đáo từ mây, tre. Nghề đan mây tre ở đây có từ hàng chục năm, trở thành nghề phụ quan trọng, giải quyết việc làm và tăng thu nhập cho nhiều người dân địa phương.

Thôn Du Tràng có 360 hộ thì hơn 100 hộ làm nghề đan mây tre. Hộ mới vào nghề cũng được 8 năm; nhiều hộ có “thâm niên” 30 năm. Ông Nguyễn Đình Đà, 58 tuổi, làm nghề đã hơn 20 năm, tâm sự: “Nghề này thu nhập không cao, nhưng có việc làm thường xuyên kể cả người già, trẻ em đều có thể làm được, trung bình mỗi ngày thu nhập từ 20 đến 30 nghìn đồng/ người”.

Nghề đan mây tre ở Du Tràng

Nghề đan mây tre nơi đây bắt đầu từ những năm 1980 khi trong làng có một vài người dân đi làm thuê ở Hà Tây trước kia, mang nghề về làng. Ban đầu chỉ đan những dụng cụ phục vụ sinh hoạt trong gia đình như: Rổ, rá, thúng, nong, nia… Đến nay, các sản phẩm được đa dạng hơn. Từ những nguyên liệu mây, tre, nứa thô sơ, bằng đôi bàn tay khéo léo của người thợ đã biến thành những chiếc giỏ, bình, đĩa đựng hoa đủ các kích cỡ, màu sắc đẹp và tinh xảo. Để hoàn thiện một chiếc giỏ hoa phải mất 4, 5 công đoạn từ chẻ nan, đặt đáy, đan, quấn miệng. Mỗi sản phẩm làm ra tuỳ theo từng kích cỡ mà có giá khác nhau: loại nhỏ nhất 2 đến 3 nghìn đồng chiếc; giỏ đựng lẵng hoa to từ 5 đến 10 nghìn đồng chiếc. Mỗi ngày, với người đã làm quen tay có thể hoàn thành từ 30 đến 40 sản phẩm theo dây chuyền, mỗi tháng thu nhập bình quân từ 600 đến 900 nghìn đồng/ người. 

Để tiếp tục nhân rộng và phát huy nghề đan mây tre, đầu năm 2008 địa phương đã thành lập HTX Toàn Phong cung cấp nguyên liệu và bao tiêu sản phẩm. HTX thường xuyên phối hợp với các Trung tâm dạy nghề của tỉnh, huyện về dạy nghề cho các xã viên. Qua một thời gian đào tạo, đến nay HTX đã có 100% xã viên biết nghề, trong đó 80% đã sản xuất được sản phẩm đạt chất lượng đúng theo yêu cầu. Hiện, HTX mây tre đan xuất khẩu Toàn Phong đã đi vào sản xuất với nhiều mặt hàng như: khay đựng trầu, giỏ, làn, đĩa, bình, mâm hoa quả, ... Vừa qua, HTX đã xuất một lô hàng gần 2.000 sản phẩm các loại, thu về hơn 10 triệu đồng. Nghề này có thể làm vào thời gian nông nhàn, mỗi năm xã viên chỉ làm 8 tháng, còn lại lo việc đồng áng. Nhiều xã viên nhận nguyên liệu về cho người thân trong gia đình mình cùng làm vào buổi tối, kể cả trẻ em hay người già.

Thời gian tới, HTX Toàn Phong tiếp tục mở thêm nhiều lớp đào tạo mới đáp ứng nhu cầu của người dân. Ngoài ra, HTX sẽ chủ động tìm đầu mối trực tiếp thu mua nguyên liệu và bao tiêu sản phẩm không qua trung gian, nhằm giảm chi phí sản xuất và tăng giá thành sản phẩm, nâng cao thu nhập cho xã viên. Với thuận lợi như hiện nay sản phẩm làm ra đến đâu đều được tiêu thụ đến đấy, nên HTX đặt kế hoạch từ nay đến cuối năm sẽ sản xuất nhiều mặt hàng nhằm đáp ứng nhu cầu cho người tiêu dùng. Theo chị Nguyễn Thị Thinh, Chủ nhiệm HTX Toàn Phong thì khó khăn lớn nhất hiện nay vẫn là mặt bằng sản xuất, bên cạnh đó vấn đề vốn cũng khiến cho làng nghề gặp nhiều khó khăn. Chính vì vậy, để hợp nhất khâu bao tiêu sản phẩm và duy trì phát triển nghề mới ở nông thôn, chính quyền địa phương cần có những chính sách cụ thể hỗ trợ kịp thời, đặc biệt mặt bằng sản xuất, vấn đề vốn, thị trường… nhằm tạo điều kiện cho nghề đan mây tre phát triển ổn định, giúp người dân có việc làm, nâng cao thu nhập, cải thiện đời sống.

Làng nghề đậu gù Trà Lâm

Mỗi khi về mảnh đất Trà Lâm, xã Trí Quả (Thuận Thành), những người con xa quê hay khách đến thăm làng đều không quên mang theo món quà quê bình dị mà nặng nghĩa, nặng tình-Đậu gù Trà Lâm.

Làng nghề đậu gù Trà Lâm

Tương truyền rằng, năm 1640, ven dòng sông Dâu, Thiền sư Chuyết Chuyết đi từ chùa Phật Tích sang chùa Bút Tháp đã truyền nghề làm đậu cho bà con Trà Lâm. Kế tục đời này qua đời khác, bao thế hệ người dân nơi đây vẫn miệt mài sớm khuya với nghề đậu phụ và phát triển chăn nuôi.
Ngày nào cũng vậy, cứ 5 giờ sáng, anh Nguyễn Văn Thái ở Sài Đồng, Gia Lâm lặn lội về thôn Trà Lâm lấy đậu về giao cho các cửa hàng ở chợ Lý Thường Kiệt (Hà Nội). Anh Thái kể: “Mỗi ngày tôi bán được 250-300 cái đậu. Hôm nào người mệt không đi, khách hàng gọi điện liên tục, bởi người dân các khu phố đã quen và thích ăn món đậu dân dã mà đậm đà hương vị quê…”. Đậu Trà Lâm thơm ngon, mát lành có mặt ở khắp các chợ đầu mối, các tỉnh lân cận như Hà Nội, Bắc Giang…
Đến thăm gia đình bà Nguyễn Thị Tám, được mục sở thị công việc làm đậu. Công đoạn tưởng giản đơn, nhưng để đậu thơm ngon chất lượng không phải chuyện dễ. Bao năm qua, sản phẩm đậu Trà Lâm nức tiếng một vùng, hẳn phải có bí quyết gia truyền, chúng tôi hỏi. Bà Tám mỉm cười bảo: “Cũng chẳng có gì nhiều, điều quan trọng là đun bột đủ lửa, tạo men hợp lý và chắt bột non sẽ tạo đậu ngon, bảo quản lâu hơn”. Trước kia, đậu Trà Lâm chỉ đơn thuần được làm theo phương pháp thủ công thô sơ, không hiệu quả. Những năm gần đây, do tiếp xúc công nghệ mới, tìm được nguồn tiêu thụ, thương hiệu đậu gù Trà Lâm được nhiều nơi biết đến như một món ăn không thể thiếu trong mỗi bữa cơm gia đình hàng ngày.
Hiện nay, thôn có gần 400 hộ làm nghề đậu, chiếm hơn 80% số hộ. Mỗi gia đình nấu từ 15-40 kg đậu tương/ngày, trừ chi phí thu lãi từ 100-150 ngàn đồng/ngày. Ông Nguyễn Văn Dư, Trưởng thôn cho biết: “Xưa kia ao sen của làng nước trong xanh, các cụ thường lấy làm đậu, ngày nay Trà Lâm đã sử dụng nước sạch kết hợp máy móc như sử dụng nồi hơi, máy nghiền vừa nâng cao năng suất, tiết kiệm nhiên liệu, giảm nhiệt lượng, tạo bước chuyển biến trong quá trình phát triển làng nghề”.
Làm đậu phụ thu lãi, phần bã còn lại là nguồn thức ăn tiện tích, kích thích tăng trưởng đối với chăn nuôi lợn thương phẩm. Theo ông Dư thì có thời điểm cả thôn nuôi đến 6.000 con lợn các loại, trung bình mỗi hộ nuôi từ 10-50 con, đem lại nguồn thu nhập cao cho người dân.
Phát triển làng truyền thống kết hợp chăn nuôi gia súc đã tạo sự chuyển biến mạnh mẽ trong đời sống nhân dân. Thế nhưng câu chuyện về bảo vệ môi trường sinh thái trong khu dân cư đang trở thành nỗi âu lo, bức xúc của chính quyền địa phương. Quanh thôn, cống thoát nước đặc quánh một mầu đen sì, hôi thối, ô nhiễm nghiêm trọng. Ông Nguyễn Văn Dư cho rằng: “Tình trạng ô nhiễm chủ yếu là người dân đổ nước thải chăn nuôi ra cống tràn lan, kéo dài. Trong thời gian tới, chúng tôi vận động người dân xây dựng bể biôga làm chất đốt, nhằm bảo vệ môi trường sống”.